Mua dự án Salto Residence của SCC, khách hàng "thiệt đơn, thiệt kép"?

Kinhtephapluatvietnam - Với những điều khoản có lợi cho chủ đầu tư trong Văn bản thỏa thuận, khách hàng mua dự án Salto Residence của Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn sẽ gặp nhiều bất lợi trong trường hợp chủ đầu tư chậm trễ xây dựng, ký hợp đồng mua bán.

Dự án chậm tiến độ, khách hàng chịu thiệt

Dự án Salto Residence do Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC) làm chủ đầu tư, có diện tích 8.778m2, tọa lạc tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Tháng 8/2022, Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn đã tổ chức lễ ra mắt thương hiệu Salto Residence và ký kết hợp tác phát triển dự án với các đối tác chiến lược. Theo giới thiệu, Salto Residence tọa lạc mặt tiền đường Nguyễn Thị Định lộ giới 77 m và được phát triển theo mô hình phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp.

Mua dự án Salto Residence của SCC, khách hàng "thiệt đơn, thiệt kép"?

Dự án Salto Residence do SCC làm chủ đầu tư "mốc meo" sau khi thu tiền tỷ của khách hàng. Ảnh: Tiểu Thúy

Dự án bao gồm 3 block cao 21 tầng với 483 căn hộ và 8 shophouse, được quảng cáo là chung cư thông minh cao cấp đánh dấu sự thành công, sở hữu vị trí cao tầng tâm điểm đầu tiên tại Khu đô thị Xanh kiểu mẫu PhoDong Village 41 hecta.

Sau lễ ra mắt thương hiệu và ký kết hợp tác nói trên, SCC đã “bật đèn xanh” cho các đơn vị môi giới chào bán, ký văn bản thỏa thuận và nhận tiền từ những khách hàng có nhu cầu mua căn hộ. Nhiều khách hàng, tin tưởng vào những gì nhân viên môi giới nói, cũng như thương hiệu của chủ đầu tư, đã không ngần ngại xuống tiền, ký văn bản thỏa thuận với SCC.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, dự án vẫn đang “nằm im bất động”, khi chủ đầu tư không hề có một động thái nào trong việc khởi công, xây dựng. Khu đất tọa lạc của dự án Salto Residence, đến nay trở thành một khu đất trống, cỏ dại mọc um tùm.

Trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, bà N.V.Q.N., một khách hàng của dự án cho biết, cuối tháng 7/2022, thông qua giới thiệu của một công ty môi giới, bà đã tìm hiểu và ký văn bản thỏa thuận mua căn hộ B.08.07 (tầng 8; loại căn hộ 2 phòng ngủ; diện tích tim tường là 73,53m2; diện tích sử dụng là 69,14m2; mục đích sử dụng là dùng để ở) tại dự án Salto Residence.

Dựa theo tiến độ thanh toán, đến nay, bà N. đã đóng cho SCC số tiền 935.941.045 đồng.

Theo văn bản thỏa thuận giữa đôi bên, thời hạn ký hợp đồng mua bán giữa SCC và khách hàng sẽ là quý II/2023.

Mua dự án Salto Residence của SCC, khách hàng "thiệt đơn, thiệt kép"?

Sau hơn 2 năm mở bán, dự án Salto Residence đến giờ vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ dại mọc um tùm, chưa có hoạt động xây dựng. Ảnh: Tiểu Thúy

Tuy nhiên, ngày 15/6/2023, bà N. bất ngờ khi được SCC gửi văn bản thông báo về việc điều chỉnh thời gian ký hợp đồng mua bán căn hộ vào quý I/2024 với lý do thị trường bất động sản khó khăn và nhiều chính sách của Nhà nước tác động đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Không đồng ý với lý do mà SCC đưa ra, bà N. đã đề nghị phía SCC thanh lý hợp đồng căn hộ mà bà đã mua. Song sau nhiều lần làm việc qua lại, phía SCC đã từ chối yêu cầu của bà N.

 

“Tháng 5/2024, SCC tiếp tục gửi văn bản đề nghị đến cuối ngày 31/12/2024, nếu dự án vẫn chưa khởi công thì SCC đồng ý tiến hành thanh lý hợp đồng và sẽ có kế hoạch trả số tiền 935.941.045 đồng nhưng tôi tiếp tục không đồng ý. Đến ngày 22/8/2024, SCC vẫn đưa ra phương án trả số tiền 935.941.045 đồng kể từ sau ngày 31/12/2024 (nếu dự án không khởi công) và thời gian trả đủ số tiền tối đa 12 tháng kể từ ngày này và không chấp nhận khoản tiền lãi cho việc chậm trễ tiến độ theo hợp đồng. Rõ ràng tất cả phần thiệt thòi SCC đã đẩy về phía khách hàng” - bà N. bức xúc.

Khách hàng “bút sa, gà chết”?

Theo bà N. cho biết, đến thời điểm hiện tại, giữa bà và SCC chỉ có một “Văn bản thỏa thuận” để chứng minh cho việc mua bán giữa đôi bên.

Trên cơ sở Văn bản thỏa thuận (VBTT) mà bà N. cung cấp, trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định, có khá nhiều điều khoản bất lợi cho khách hàng.

Cụ thể, theo VBTT nói trên, tại Điều 2 về đặt cọc và xử lý số tiền đặt cọc, ngoài số tiền mà khách hàng phải đóng cùng tiến độ thanh toán, còn quy định rõ: “nếu khách hàng chưa thực hiện thanh toán cho công ty trong từng thời hạn nêu tại VBTT và phụ lục VBTT (nếu có), khách hàng sẽ chịu lãi phạt chậm thanh toán bằng 0,05% ngày trên số tiền chậm thanh toán tính từ ngày chậm thanh toán cho đến ngày hoàn tất thanh toán các khoản tiền đến hạn và lãi chậm thanh toán (nếu có)…”. Trong khi đó, không hề có điều khoản “phạt” nào tương tự trong trường hợp chủ đầu tư thực hiện dự án chậm tiến độ hay không ký hợp đồng mua bán đúng hạn với khách hàng.

Mua dự án Salto Residence của SCC, khách hàng "thiệt đơn, thiệt kép"?

VBTT mà bà N. ký kết với SCC, dù không phải là Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng bất động sản hình thành

trong tương lai nhưng vẫn là văn bản ghi nhận các thỏa thuận mua bán bất động sản “núp bóng” 

Chưa kể, tại điều 4.1.2 của Văn bản thỏa thuận này, quy định về quyền và nghĩa vụ của SCC cũng nêu rõ: “...hoàn lại số tiền đã nhận và bị phạt một khoản bằng số tiền đã nhận nếu công ty không ký VBTT hoặc hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng khi đủ điều kiện theo quy định, trừ trường hợp bất khả kháng theo Điều 6 VBTT này hoặc phải thực hiện hoàn trả tiền theo quyết định của cơ quan nhà nước thì công ty chỉ có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã nhận từ khách hàng trong vòng 30 ngày kể từ ngày chấm dứt VBTT”.

“Nếu chỉ nhìn qua, thì nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một điều khoản có lợi cho khách hàng. Nhưng trên thực tế, đây là điều khoản sẽ khiến khách hàng “ôm hận” nếu không đọc kỹ” - luật sư Thảo nói và nhấn mạnh, nếu phân tích kỹ, thì điều khoản 4.1.2 này chỉ được thực hiện, trong điều kiện “nếu công ty không ký VBTT hoặc hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng khi đủ điều kiện theo quy định”.

“Văn bản thỏa thuận, đôi bên đã ký. Và ở đây chỉ bàn về hợp đồng mua bán căn hộ. Vậy, đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán căn hộ theo quy định là gì? Đó là, chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng dự án, hoàn thành xong móng cọc… Và quan trọng nhất, là phải được cơ quan chức năng cho phép dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Chỉ đến khi dự án được cơ quan chức năng cho phép mở bán dự án nhà ở hình thành trong tương lai, mà chủ đầu tư không ký hợp đồng mua bán với khách hàng, thì điều khoản nói trên mới có hiệu lực. Thế nhưng, trong bối cảnh dự án vẫn chỉ là khu đất trống, chưa được chủ đầu tư triển khai bất kỳ hoạt động xây dựng nào, việc “đủ điều kiện theo quy định” này đến bao giờ mới có thể thực hiện, vẫn còn bỏ ngỏ…” - luật sư Thảo phân tích.

Trên thực tế, có không ít dự án đã “chết lâm sàng” một thời gian dài, có khi lên đến hàng chục năm khi chủ đầu tư không có năng lực triển khai dự án. Vậy, trong trường hợp này, nếu SCC cũng tiếp tục “án binh bất động” tại dự án Salto Residence, dù trong thời gian bao lâu, có thể vài tháng, hoặc có thể vài năm hay thậm chí là chục năm, khách hàng cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi “bút sa, gà chết”, hoàn toàn không có bất cứ điều khoản nào có lợi cho mình.

Xoay quanh những phản ánh của bà N., Báo Kinh tế & Đô thị đã liên hệ đại diện SCC để xác minh vụ việc, tuy nhiên phía SCC chỉ phản hồi ngắn gọn là công ty đang làm việc bà N.

Không chỉ dừng lại ở trường hợp của bà N., mới đây, nhiều khách hàng khác cũng phản ánh đến báo chí về việc đòi lại tiền mua căn hộ dự án Salto Residence của Công ty SCC. Đồng thời bày tỏ "bất lực" vì chủ đầu tư không cung cấp pháp lý dự án...

Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.