Xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương

Kinhtedothi – Trong vụ án này, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 1.463 tỷ đồng, đưa hối lộ 31.595.475.000 đồng. Bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi 22.166.490.000 đồng và nhận hối lộ 13.851.000.000 đồng.

Nhiều quan chức bị xét xử tội “Nhận hối lộ”

Ngày mai 20/11, TAND TP Hồ Chí Minh sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil).

Mai Thị Hồng Hạnh và Lê Đức Thọ. Ảnh: Bộ Công an.

Mai Thị Hồng Hạnh và Lê Đức Thọ. Ảnh: Bộ Công an.

Trong vụ án này có 15 bị cáo, trong đó bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979), cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Xuyên Việt Oil, sẽ bị Tòa án xét xử hai tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Đưa hối lộ”.

Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992, cựu Phó Giám đốc Xuyên Việt Oil) bị xét xử tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Các bị cáo từng là lãnh đạo Bộ Công Thương bị xét xử tội “Nhận hối lộ”, gồm: Đỗ Thắng Hải (SN 1963, cựu Thứ trưởng), Trần Duy Đông (SN 1978, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại; cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – TTTN), Hoàng Anh Tuấn (SN 1977, Phó Vụ trưởng Vụ TTTN), Nguyễn Lộc An (SN 1965, cựu Phó Vụ trưởng Vụ TTTN); Đặng Công Khôi (SN 1973, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính); Lê Duy Minh (SN 1972, cựu Cục trưởng Cục Thuế, khi bị bắt là Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh); Phan Kiến Anh (SN 1969, cựu Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn).

Riêng bị cáo Lê Đức Thọ (SN 1970, cựu Chủ tịch HĐQT Vietinbank; cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) ngoài tội danh “Nhận hối lộ”, còn bị xét xử tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Nhóm bị cáo bị xét xử tội “Đưa hối lộ” gồm: Vũ Trung Thành (SN 1981, cựu Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Thanh Xuân); Đồng Xuân Dũng (SN 1980, lao động tự do); Nguyễn Văn Thắng (SN 1977), Đinh Tiến Dũng (SN 1967) và Nguyễn Tấn Long (SN 1988, cả 3 đều là cán bộ Xuyên Việt Oil).

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre “trục lợi” và “nhận hối lộ” hơn 36 tỷ đồng

Xuyên Việt Oil tiền thân là Công ty TNHH Xuyên Việt được cấp giấy chứng nhận kinh doanh lần đầu vào ngày 31/5/2005. Năm 2015, Mai Thị Hồng Hạnh mua lại cổ phần, đổi tên thành Xuyên Việt Oil, địa chỉ kinh doanh tại quận 3, TP Hồ Chí Minh, ngành nghề buôn bán xăng dầu và các sản phẩm có liên quan; vốn điều lệ năm 2015 là 50 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2021 (đăng ký thay đổi lần thứ 16) tăng lên 3.000 tỷ đồng, đại diện pháp luật là Mai Thị Hồng Hạnh.

Ngày 22/8/2016, Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu số 09/GPXD-BCT (thời hạn 5 năm), và trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (ĐMKDXD). Sau khi được cấp giấy phép làm thương nhân ĐMKDXD, lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) và quản lý, sử dụng tiền quỹ này tại Xuyên Việt Oil, Hạnh đã làm trái các quy định của pháp luật về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG.

Cụ thể, Hạnh bàn bạc chỉ đạo Phương chuyển tiền từ tài khoản Xuyên Việt Oil vào tài khoản cá nhân của Hạnh để sử dụng vào mục đích cá nhân, mua bất động sản, cho bạn bè vay mượn, đưa hối lộ… cho một số quan chức Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nên Quỹ BOG có số dư không đúng theo quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước số tiền hơn 219 tỷ đồng.

Đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tiền thuế bảo vệ môi trường. Theo quy định, tiền thuế bảo vệ môi trường không phải là tiền từ vốn, tài sản, lợi nhuận kinh doanh của thương nhân ĐMKDXD (người bán hàng), thương nhân ĐMKDXD chỉ là người giúp Nhà nước thực hiện việc thu hộ tiền thuế này từ người tiêu dùng. Sau đó có trách nhiệm quản lý và nộp thay người tiêu dùng khoản tiền thuế này vào ngân sách Nhà nước (NSNN) theo định kỳ (chậm nhất 90 ngày, kể từ ngày nộp tờ khai). Từ tháng l0/2021 - 7/2022, Xuyên Việt Oil đã không nộp số tiền thuế bảo vệ môi trường theo đúng thời hạn quy định với tổng số tiền 1.244.317.443.402, đây chính là số tiền Mai Thị Hồng Hạnh gây thất thoát NSNN.

Trong vụ án này, cáo trạng xác định Mai Thị Hồng Hạnh đưa hối lộ 22 lần với số tiền 31.595.475.000 đồng; trong đó, Trần Duy Đông và Hoàng Anh Tuấn nhận hối lộ 5.657.500.000 đồng, Lê Duy Minh nhận 4.860.150.000 đồng, Phan Kiến Anh nhận 3.235.800.000 đồng, Đỗ Thắng Hải nhận 1.139.000.000 đồng, Nguyễn Lộc An nhận 921.525.000 đồng, Đặng Công Khôi nhận 459.300.000 đồng.

Riêng Lê Đức Thọ ngoài hành vi “Nhận hối lộ” 2 lần với số tiền 13.851.000.000 đồng, còn có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” 3 lần với số tiền 22.166.490.000 đồng.

Phiên tòa sơ thẩm dự kiến kéo dài đến ngày 5/12.