Trước đó, bà Võ Thị L (trú phường Hòa Xuân) phản ánh sáng 6/7, chồng bà mua 15.000 đồng bún tại một quầy trong chợ Hòa Châu để dùng cho bữa trưa. Phần bún còn lại được bà bảo quản trong rổ nhựa, đặt nơi khô thoáng, không qua bảo quản lạnh.
Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, bà phát hiện nhiều sợi bún chuyển từ màu trắng sang đỏ, mềm và hơi ướt. Sáng hôm sau (7/7), toàn bộ phần bún còn lại đều đổi màu. Khi thả bún vào nước lọc, nước cũng chuyển sang đỏ nhạt.

Sợi bún đổi màu đỏ bất thường sau khi để vài giờ đồng hồ.
Ngay trong sáng 7/7, đoàn kiểm tra của phường đã đến làm việc tại nhà bà L, ghi nhận phần bún còn lại có màu sắc đúng như phản ánh, không có mùi lạ, kết cấu bình thường nhưng gây lo ngại về an toàn thực phẩm.
Qua xác minh, số bún trên được bà L mua từ một hộ kinh doanh bán lẻ do bà N.T.P (trú cùng phường) làm chủ. Bà P cho biết đã lấy bún từ cơ sở sản xuất của ông Đ.Q.H, cũng trú tại phường Hòa Xuân. Làm việc với cơ quan chức năng, ông H xác nhận đã cung cấp bún cho bà P vào ngày xảy ra sự việc.
Tổ công tác kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của ông H, ghi nhận có đầy đủ một số giấy tờ như giấy chứng nhận hộ kinh doanh, giấy khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hiệu lực từ ngày 25/1.
UBND phường Hòa Xuân đã yêu cầu cơ sở này tạm dừng hoạt động cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm và được cơ quan chức năng cho phép hoạt động trở lại.
Mẫu bún được thu thập tại nhà dân và cơ sở sản xuất đã được gửi đến Trung tâm kiểm nghiệm vào sáng 8/7. Dự kiến kết quả kiểm nghiệm sẽ có vào ngày 14/7. Chủ cơ sở cũng cho biết đã chủ động mang mẫu gạo nguyên liệu đi xét nghiệm và cam kết phối hợp với các đơn vị chức năng để làm rõ nguyên nhân.
UBND phường Hòa Xuân cho biết sẽ công bố kết quả kiểm nghiệm ngay khi có kết luận chính thức từ cơ quan chuyên môn.