Trương Mỹ Lan nói về hơn 6.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Tuần Châu mượn?

Kinhtedothi - Xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo ở giai đoạn 1 vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, các đơn vị liên quan tiếp tục phần tranh luận.

pl6-1732589438.PNG

Bị cáo Lan khai tại tòa. Ảnh: N.N

Đáng chú ý, phần tranh luận, bị cáo Trương Mỹ Lan đã trình bày về khoản tiền hơn 6.000 tỷ đồng đã cho Tập đoàn của chúa đảo Tuần Châu mượn.

Bị cáo nói, mối quan hệ giao dịch giữa bà Trương Mỹ Lan với tập đoàn Tuần Châu của ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn thông qua các hợp đồng chuyển nhượng mua bán cổ phần và dự án. Theo đó, ông Đào Anh Tuấn (con trai ông Tuyển) và hai Công ty (Cty) Âu Lạc, Cty T&H Hạ Long (thuộc tập đoàn Tuần Châu) nhận được từ phía bà Trương Mỹ Lan 6.095 tỷ đồng bao gồm hai khoản, gồm 3.179 tỷ đồng mà ông Đào Anh Tuấn nhận được từ thỏa thuận chuyển nhượng 70,59% cổ phần của Cty T&H Hạ Long cho phía Trương Mỹ Lan với giá 1.411 tỷ đồng; 1.768 tỷ đồng các bên đang tiến hành bàn bạc để đối trừ vào các khoản bên bà Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận khung.

Khoản tiền nhận thứ hai là 2.916 tỷ đồng, Cty Âu Lạc, Cty T&H Hạ Long nhận được từ năm Cty của bà Trương Mỹ Lan theo năm thỏa thuận khung hợp tác và chuyển giao tài sản là 243 căn nhà liền kề, thuộc dự án Khu biệt thự Morning Star và khu biệt thự Hoàng Long tương ứng với chín sổ đất, đã thế chấp để đảm bảo khoản vay của các Cty nhận chuyển giao tài sản nêu trên tại SCB. Cty Âu Lạc và Cty T&H Hạ Long đã sử dụng 32 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo dư nợ cho 32 khoản vay.

Trước đó, phán quyết sơ thẩm tuyên buộc Cty T&H Hạ Long và Cty Âu Lạc Quảng Ninh nộp lại số tiền 6.095 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong trong toàn bộ vụ án. Liên quan đến giao dịch này, bà Trương Mỹ Lan cho biết, làm việc với Tập đoàn Tuần Châu từ năm 2016, khi bắt đầu hợp tác với Tập đoàn Tuần Châu bị cáo đã kêu gọi khoảng 60 nhà đầu tư nước ngoài vào để hợp tác đầu tư, thuê những đơn vị tư vấn thiết kế quốc tế về để nghiên cứu, thiết kế các dự án ở phường Tuần Châu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, bị cáo muốn biến dự án ở đây thành dự án mang tầm quốc tế.

Để kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư thì bị cáo đã dùng tiền của Vạn Thịnh Phát, tiền mượn của bạn bè cho Tập đoàn Tuần Châu mượn tiền để đầu tư làm hạ tầng. Suốt 6 - 7 năm nay bị cáo đã bỏ ra rất nhiều tiền để thuê các đơn vị tư vấn, đơn vị thiết kế về đây để phát triển dự án.

Bị cáo Lan cho rằng, hơn 6.000 tỷ đồng đã chuyển cho Tập đoàn Tuần Châu là của bị cáo, chứ không phải của SCB. Còn việc SCB nói, 6.000 tỷ đồng là của mình thì phải có chứng cứ. Các tài sản hai Cty T&H Hạ Long và Cty Âu Lạc Quảng Ninh đang thế chấp cho Ngân hàng SCB là từ ông Đào Anh Tuấn cho SCB mượn để tái cơ cấu ngân hàng.

Trong khi đó, người đại diện của ông Đào Anh Tuấn cho biết, ông Tuấn là chủ sở hữu của tám giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Cty T&H Hạ Long hiện các tài sản này đang nằm trong 1.121 mã tài sản đang bị kê biên và bản án sơ thẩm tuyên giao cho SCB xử lý. Cty T&H Hạ Long có mối quan hệ làm ăn với bà Lan nên cho SCB mượn nhiều tài sản (trong đó có tám giấy chứng nhận nêu trên) để tái cơ cấu ngân hàng. Người đại diện cho ông Đào Anh Tuấn đề nghị tòa xem xét loại bỏ tám giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang bị kê biên ra khỏi vụ án hình sự để cho các bên giải quyết bằng vụ án dân sự.

Bị cáo Lan mong những tình tiết giảm nhẹ mà Viện kiểm sát Nhân dân ghi nhận được áp dụng đối với tội “Tham ô tài sản” thay vì tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bào chữa cho bị cáo Lan, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát Nhân dân về việc số tiền khắc phục hậu quả chưa đủ để được giảm nhẹ án tử hình là đúng đắn với quy định của pháp luật nhưng chưa phù hợp với vụ án.