TP Hồ Chí Minh xét xử đối tượng đánh cô gái không có lý do

Kinhtedothi – Ngày 10/11, TAND quận 4, TP Hồ Chí Minh đã có quyết định đưa vụ án “Cố ý gây thương tích” ra xét xử đối với Bùi Thanh Khoa (SN 1984) vào ngày 20/1.

Bùi Thanh Khoa là đối tượng đã đánh liên tiếp vào mặt và vùng đầu của chị Q.T.T.A (SN 2001, thường trú phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh) với tính chất côn đồ, hung hãn, gây bức xúc dư luận.

Đối tượng Bùi Thanh Khoa bị bắt giữ sau khi hành hung chị A., vào sáng 9/12/2024. Ảnh: CACC. Đối tượng Bùi Thanh Khoa bị bắt giữ sau khi hành hung chị A., vào sáng 9/12/2024. Ảnh: CACC.

Trước đó, vào khoảng 7 giờ 20 phút sáng 9/12/2024, trong khi điều khiển xe máy từ hướng quận 7 đến quận 1 qua cầu Kênh Tẻ, chị A., bị Bùi Thanh Khoa (SN 1984; hộ khẩu thường trú phường 12, quận 10; cư trú khu phố 3, thị trấn Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) điều khiển xe máy ép xe chị A., vào lan can giữa đường.

Sau đó, Khoa dừng xe rồi dùng tay, cùi trỏ và chân đấm, đá liên tiếp vào mặt và vùng đầu của chị A. Đối tượng Khoa chỉ dừng lại và bỏ đi khi có người đến can ngăn. Sau khi sự việc xảy ra, chị A., đến Công an phường 4 (quận 4) trình báo sự việc.

Qua xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận 4 xác định, hành vi của Bùi Thanh Khoa thể hiện tính côn đồ, hung hãn, coi thường pháp luật, gây thương tích cho chị A., trước sự chứng kiến của nhiều người.

Ngày 10/12/2024, Cơ quan CSĐT Công an quận 4 đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Bùi Thanh Khoa về tội “Cố ý gây thương tích”. Một ngày sau, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Bùi Thanh Khoa.

Việc TAND quận 4 nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, cho thấy đây là động thái nhằm răn đe những đối tượng côn đồ khi tham gia giao thông chỉ vì một va quẹt nhỏ đã hành hung người khác.

Liên quan đến hàng loạt vụ ẩu đả xảy ra sau khi va quẹt xe trong lúc tham gia giao thông (TGGT) tại TP Hồ Chí Minh, về phía Công an TP đưa ra một số khuyến cáo. Theo đó, người TGGT cần giữ bình tĩnh và ưu tiên an toàn cho chính bản thân mình cũng như những người xung quanh. Tuyệt đối không để cảm xúc lấn át (hành vi nóng giận, bực tức, cay cú…), và không sử dụng những lời nói hoặc hành động mang tính khiêu khích (chửi bới, có hành vi đe dọa, dọa nạt hoặc sử dụng vũ lực, hung khí tấn công…). Việc sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề trên là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các điều, khoản của Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp xảy ra va chạm giao thông không gây hư hỏng về tài sản hoặc sức khỏe bản thân, nếu 2 bên có thể bàn bạc hòa giải tự thương lượng thì cả 2 bên nhanh chóng di chuyển phương tiện vào sát bên phải lề đường tránh cản trở giao thông cũng như đảm bảo an toàn tài sản, sức khỏe của bản thân. Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, sức khỏe của bản thân hoặc cảm thấy vụ việc mâu thuẫn trên đường có tính chất nghiêm trọng (một trong hai bên có hành vi sử dụng vũ lực, vũ khí tấn công, hành hung người khác), người dân cần giữ khoảng cách nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của bản thân.

Đồng thời, nhanh chóng liên hệ số điện thoại Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) phụ trách địa bàn nếu xảy ra vụ tai nạn giao thông (xảy ra va chạm ở địa phương nào thì liên hệ Đội CSGT địa phương đó). Đối với các vụ việc mâu thuẫn hành hung trên đường, người dân nhanh chóng liên hệ số điện thoại 113 hoặc Công an địa phương nhằm kịp thời can thiệp không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Và cuối cùng, người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm luật lệ giao thông, chấp hành tốt pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi kể cả khu vực không có CSGT thực hiện nhiệm vụ.