Temu tạm dừng ở Việt Nam, giao hàng vẫn "treo lơ lửng"

Hơn 4 ngày kể từ khi Temu bất ngờ ngừng hoạt động tại Việt Nam, nhiều người lo lắng do những đơn hàng đã thanh toán trước giờ đây treo lơ lửng.

Đơn hàng vẫn treo lơ lửng, chưa được giao cũng chưa được hoàn tiền

Chị Nguyễn Loan (ở Cầu Giấy, TP Hà Nội) là khách hàng quen thuộc của trang thương mại điện tử Temu. Hiện chị vẫn còn 2 đơn hàng trễ ngày giao, nhưng không cách nào liên hệ được. Chị nhắn vào nút giao hàng trên trang thì thông báo sẽ giao hàng sớm.

Theo chị Loan, đơn hàng của chị có giá trị gần 1 triệu đồng, theo lịch đã phải giao từ hôm 29.11 nhưng việc giao trễ không nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía Temu.

“Tôi thử thao tác hoàn tiền nhiều lần nhưng không thành công. Mua hàng buộc thanh toán trước, không giao được hàng, giờ muốn lấy lại tiền cũng khó khăn”, chị Loan nói, đồng thời cho biết, khi truy cập vào trang Temu Tiếng Việt, thì giật mình khi trang này chuyển hoàn toàn về tiếng anh.

Là khách hàng quen thuộc trên các sàn thương mại điện tử như TikTok shop, Shopee, Lazada, anh Nguyễn Chiến (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, anh thường xuyên đặt hàng gia dụng, mỹ phẩm, quần áo trên TikTok shop và một số trang thương mại điện tử quốc tế.

Lợi thế của những sản phẩm này so với hàng trong nước là giá rẻ, giao hàng nhanh, còn được miễn phí vận chuyển.

tr1-1733712476.PNG

tr2-1733712558.PNG

Temu đổi giao diện sang tiếng Anh, tạm dừng bán hàng vào Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn  

Theo anh Chiến, dù hàng trên TikTok shop đã rất rẻ, nhưng từ khi anh tải ứng dụng thương mại điện tử Temu về điện thoại, tiến hành đặt hàng, anh bất ngờ hơn vì giá sản phẩm bán trên Temu còn rẻ hơn.

Do vậy, anh Chiến đã đặt một chiếc bọc ghế sofa từ Temu với giá hơn 300.000 đồng, giảm 50% so với giá gốc. Tuy nhiên, mặc dù đã đặt hàng gần 1 tháng nhưng đến nay, anh Chiến vẫn chưa nhận được hàng. Dù anh đã hủy đơn hàng, nhưng số tiền hơn 300.000 đồng vẫn bị "mắc kẹt" trong ví của Temu.

Nếu không nhận được hàng đúng hạn, có thể họ sẽ hoàn tiền

Về phía cơ quan quản lý, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay Temu đã nộp hồ sơ đăng ký hoạt động thương mại điện tử. Đến nay Temu đã nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung lần thứ hai và cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình xem xét nội dung hồ sơ theo quy định của nghị định số 52, sửa đổi bổ sung nghị định số 85 về thương mại điện tử.

Vì vậy trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, Temu đã triển khai thực hiện một số yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Temu phải tạm dừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, bao gồm việc không sử dụng ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt khi cung cấp dịch vụ trên website Temu.com và ứng dụng di động Temu.

Về việc nhiều đơn hàng sau thời gian dài vẫn chưa được giao tới người mua, theo ông Hoàng Ninh - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, một trong những nguyên nhân có thể do phía hải quan quy định không thông quan hàng cho những sàn thương mại điện tử chưa đăng ký với Bộ Công Thương, khiến hàng hóa của sàn Temu không được vào Việt Nam.

Trước lo ngại của nhiều người đang ngóng chờ nhận hàng đặt đã lâu trên Temu, ông Ninh cho hay, người mua hàng có thể chờ Temu hoàn thiện thủ tục đăng ký, nếu không nhận được hàng đúng hạn có thể họ sẽ hoàn tiền.