Sắp xét xử công khai vụ ngư phủ trốn ra nước ngoài đánh bắt thuỷ sản

Kinhtephapluatvietnam - Ngày 30/9/2024 tới, Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau sẽ xét xử công khai vụ án đưa ngư phủ trốn ra nước ngoài đánh bắt thuỷ sản trái phép bằng cách sơn vẽ, sửa biển kiểm soát tàu cá tỉnh này thành tàu của Malaysia.

Thủ đoạn tinh vi, có tổ chức

Ngày 26/9 trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Văn Sử Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau (Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm của Ban chỉ đạo IUU) cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh này đã hoàn tất hồ sơ vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” để đưa ra xét xử công khai tại UBND thị trấn Trần Văn Thời vào lúc 8 giờ ngày 30/9/2024. Theo đó, các bị can sẽ bị truy tố gồm: Dương Hoàng Giang (55 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời, Cà Mau); Quách Thanh Tuấn (40 tuổi, ngụ huyện Trần Văn Thời), Nguyễn Văn Công (49 tuổi, ngụ huyện Đông Hải, Bạc Liêu), Nguyễn Văn Phu (46 tuổi, ngụ huyện An Biên, Kiên Giang).

Theo Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2023, Quách Thanh Tuấn móc nối với người tên Salam (chưa rõ thông tin, địa chỉ) hợp thức hóa hồ sơ cho tàu cá số hiệu CM-92365-TS, do Tuấn đứng tên, thành tàu cá số hiệu KNF6649 của Malaysia, với số tiền khoảng 380 triệu đồng. Hành vi của các đối tượng nhằm đưa tàu cá này sang đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài. Người tên Salam yêu cầu Tuấn trả trước 27 triệu đồng và cung cấp thông tin kỹ thuật của tàu cá để Salam tìm hồ sơ, tìm 5 người Việt có hộ chiếu xuất cảnh bằng đường hàng không sang Malaysia để Salam làm thủ tục đăng ký thuyền viên.

Cà Mau với bờ biển dài hơn 250km với gần 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ là một khó khăn trong công tác quản lý, chống khai thác IUU (Hoàng Nam).
Cà Mau với bờ biển dài hơn 250km với gần 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ là một khó khăn trong công tác quản lý, chống khai thác IUU (Hoàng Nam).

Tháng 6/2023, Salam thông báo đã hoàn tất giấy tờ đăng ký và hướng dẫn Tuấn sơn sửa số hiệu của tàu cá từ CM-92365-TS thành tàu KNF6649 để phù hợp hồ sơ và qua mặt lực lượng chức năng hai nước. Người này yêu cầu Tuấn hàn lắp thêm chữ “Y” phía trước khung chữ “A” hai bên tàu phía gần lái, cắt bỏ giàn khô phía trước cabin, đổi hộp số lớn, thay chân vịt và mua sắm ngư lưới cụ phù hợp với giấy tờ tàu cá Malaysia. Khi hoàn tất, Tuấn giao cho Nguyễn Văn Công làm thuyền trưởng và tìm 7ngư phủ. Trong đó, có 3 người không cần giấy tờ tùy thân, không cần làm thủ tục xuất cảnh; 4 người có hộ chiếu xuất cảnh bằng đường hàng không sang Malaysia.

Những người này đã thống nhất cách ăn chia khi đánh bắt hải sản ở Malaysia. Cụ thể, sau khi trừ tất cả các chi phí như nhiên liệu, nước đá, ăn uống, ngư lưới cụ dự trù, lương thực, thực phẩm… số hải sản còn lại chủ tàu hưởng 60%, còn lại 40% chi cho tài công, máy trưởng, kỹ thuật, rồi tùy theo tỷ lệ chấm công, làm giỏi được hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít. Cứ mỗi 6 tháng, thuyền viên được về nước một lần, cho ứng trước 30 - 40 triệu đồng/ngư phủ.

Vì lợi nhuận, bất chấp luật pháp

Cũng theo cơ quan An ninh Điều tra, cùng thời gian trên, Quách Thanh Tuấn còn liên hệ với Dương Hoàng Giang để chạy tàu cá CM-92365-TS qua Malaysia giao cho Nguyễn Văn Công với mức phí 10 triệu đồng. Tháng 8/2023, Tuấn đưa những ngư phủ xuống tàu đi sang Malaysia. Do Giang không có bằng thuyền trưởng nên Tuấn chỉ đạo Nguyễn Tuấn Vũ (cháu Tuấn) lái tàu rời bến, sau đó neo trên biển chờ Giang đi đò dọc ra để nhận tàu. Ra đến tàu, Giang tháo thiết bị giám sát hành trình, gửi đò đưa vào bờ theo chỉ đạo của Tuấn.

Giang điều khiển tàu cá chạy đến vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia rồi chỉ đạo các thuyền viên tẩy số hiệu tàu cũ và ghi đè số hiệu tàu cá thành KNF6649. Tiếp đó, Giang đưa tàu đến Cảng Đỏ của Malaysia và chờ Công cùng 4 ngư phủ đi bằng đường hàng không tới họp mặt để ra biển đánh bắt. Sau một thời gian làm chung, giữa tháng 12/2023, có 4 ngư phủ không làm trên tàu cá cho Tuấn nữa và nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Do thiếu bạn thuyền, Công gọi Tuấn tìm thêm 5 người khác thay thế số bạn thuyền đã về nước.

Một vụ án đưa người trốn ra nước ngoài tương tự được đưa ra xét xử công khai tại Cà Mau tháng 5/2024 (Hoàng Nam).
Một vụ án đưa người trốn ra nước ngoài tương tự được đưa ra xét xử công khai tại Cà Mau tháng 5/2024 (Hoàng Nam).

Tiếp đó, Tuấn tìm tới Nguyễn Văn Phu nhờ tìm bạn thuyền, do Phu chuyên môi giới cho ngư phủ đi biển. Bạn thuyền không cần hộ chiếu hay giấy tờ tùy thân, mỗi người được ứng trước 40 triệu đồng để sang Malaysia đi biển, với thời gian làm việc 6 tháng. Khi tìm được người, Phu dẫn 5 ngư phủ đến gặp Tuấn và sắp xếp cho họ đi ghe cào xuất cảnh trái phép sang Malaysia đánh bắt hải sản. Thông qua việc môi giới này, Tuấn trả công cho Phu 1 triệu đồng/ngư phủ, mỗi ngư phủ còn cho thêm Phu 1 triệu đồng.

Trong thời gian đánh bắt ở vùng biển Malaysia, tàu CM-92365-TS (KNF6649) về vùng biển Việt Nam bán hải sản 4 lần. Mỗi lần tàu chạy đến khu vực biển giáp ranh giữa 2 nước, Công chỉ đạo cho ngư phủ sơn lại cabin và thay đổi số hiệu tàu để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng Việt Nam. Ngày 8/7/2024, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện vi phạm và tạm giữ tàu cá CM-92365-TS khi tàu về vùng biển Việt Nam để bán hải sản. Sau đó, vụ việc được chuyển cho Công an tỉnh Cà Mau thụ lý điều tra.

Với những hành vi trên, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau để xét xử các các bị can Quách Thanh Tuấn, Nguyễn Văn Công về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 349 của Bộ luật Hình sự; bị can Nguyễn Văn Phu về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 349 của Bộ luật Hình sự; bị can Dương Hoàng Giang về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo quy định tại khoản 1 Điều 349 Bộ luật Hình sự.

Sắp xét xử công khai vụ ngư phủ trốn ra nước ngoài đánh bắt thuỷ sản - Ảnh 1

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trên cơ sở kết quả xét xử vụ án, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không đúng quy định (IUU), nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tránh các trường hợp vi phạm trong thời gian tới.