Petrovietnam chuyển đổi mô hình tập đoàn tạo nền tảng bứt phá vào kỷ nguyên mới

Kinhteothi - Chiều 28/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Petrovietnam. Điểm nhấn là chuyển đổi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia. 

 

Thủ tướng và lãnh đạo Petrovietnam cùng các cá nhân được tặng phần thưởng của Tập đoàn: Ảnh: VGP/Nhật Bắc Thủ tướng và lãnh đạo Petrovietnam cùng các cá nhân được tặng phần thưởng của Tập đoàn: Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ấn tượng trong khó khăn

Báo cáo cho thấy, ngay từ đầu năm, Petrovietnam xác định đây là năm then chốt, cần thiết phải tăng tốc và bứt phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. 

Tất cả các chỉ tiêu sản xuất trọng yếu còn lại đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm từ 6 - 24%, về đích trước từ 22 ngày đến 2 tháng 21 ngày. Đặc biệt, chỉ tiêu khai thác dầu thô trong nước đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2024 trước 2 tháng 3 ngày. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức chuyển đổi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam). Ảnh: Thanh Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức chuyển đổi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam). Ảnh: Thanh Giang

Bên cạnh đó, tất cả các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức từ 34% - đến 3,4 lần kế hoạch năm, về đích trước từ 3 - 7 tháng, tăng trưởng cao so với năm 2023. Kết thúc năm 2024 đánh dấu việc 3 năm liên tiếp Petrovietnam phá kỷ lục về tổng doanh thu toàn khi vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với thời kỳ trước Covid-19 (năm 2019) và tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Nộp NSNN đạt 165.000 tỷ đồng, tương đương gần 9% tổng thu ngân sách của cả nước.

Những thành tích ấn tượng đó đã giúp Petrovietnam được vinh danh ở vị trí dẫn đầu trong Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam 2024; đồng thời, lần thứ 6 được vinh danh là doanh nghiệp dẫn đầu Top 500 Doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam; vững chắc nằm trong nằm trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu. Ảnh: Dương Giang Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu. Ảnh: Dương Giang

Cùng với đó, các hoạt động xã hội, hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt, dự án tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng đã hoàn thành và được khánh thành vào ngày 22/12/2024.

Năm 2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với đất nước, trong bối cảnh cả nước đã và đang chuẩn bị tốt các nguồn lực, tiến hành cải cách mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Do đó, thời gian tới, Petrovietnam xác định: “Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia: Đổi mới từ cốt lõi - Phát triển mô hình vượt trội - Hội nhập chuỗi toàn cầu - Nâng tầm tri thức năng lượng - Bứt phá trong tăng trưởng - Tạo bước chuyển xanh bền vững”.

Bứt phá, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới

Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn và các lãnh đạo đã thực hiện nghi thức chuyển đổi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện. Ảnh: Thanh Giang

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại sự kiện. Ảnh: Thanh Giang

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu của Petrovietnam đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Tập đoàn luôn nắm chắc tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khác quan để đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, để lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công “5 rõ”: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”.

Chủ tịch Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Thanh Giang

Chủ tịch Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Thanh Giang

Thủ tướng đề nghị, Tập đoàn Viettel và Petrovietnam tăng cường hợp tác để sản xuất turbine và cánh quạt điện gió ngoài khơi; nêu rõ, cần đoàn kết, thống nhất, tất cả cùng nhìn về một hướng, cầu thị lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người khác để tự hoàn thiện mình hơn, vượt qua chính mình.

Petrovietnam cũng cần rút ra các bài học kinh nghiệm để đảm đương được những nhiệm vụ khó khăn, nặng nề với yêu cầu đòi hỏi cao hơn. Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ là tư tưởng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là phải kiểm soát rủi ro vì địa bàn hoạt động ở ngoài khơi, dưới đáy biển hoặc hoạt động ở những nơi hết sức khó khăn; luôn phải có những phương án ứng phó nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể, hạn chế rủi ro, không để rủi ro xảy ra.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Petrovietnam phải chuyển đổi nhanh hơn, mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, thần tốc hơn, táo bạo hơn, bền vững hơn thì mới vượt qua chính mình, phù hợp tình hình; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng thời điểm là yếu tố quyết định sự thành công; sự phối hợp giữa các bộ, ngành cần hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn, có sự thấu hiểu, chia sẻ, tôn trọng nhau nhiều hơn.

Thủ tướng nêu rõ, nếu chỉ phát triển “bình bình” rất khó đạt 2 mục tiêu phát triển 100 năm (năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước). Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc giàu mạnh và thịnh vượng. Do đó những năm tới, cả nước phải nỗ lực đạt mức tăng trưởng đạt 2 con số, nâng tầm quy mô nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về thể chế; an ninh quốc phòng là thường xuyên và trọng yếu, trong đó Petrovietnam vừa khai thác dầu khí, vừa góp phần bảo đảm an ninh chủ quyền biển đảo; coi trọng văn hoá là sức mạnh nội sinh, phát huy truyền thống của Petrovietnam là không sợ khó.

Petrovietnam đã đạt được những kết quả ấn tượng và trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia. Petrovietnam đã đạt được những kết quả ấn tượng và trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia.

Thủ tướng nêu rõ, là Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, Petrovietnam không thể đứng ngoài cuộc, do đó phải làm tốt, hiệu quả các nhiệm vụ nói trên; Chính phủ đặt niềm tin và hy vọng vào Petrovietnam và tinh thần bứt phá, phải tiên phong trong bứt phá, tiên phong thực hiện tăng trưởng 2 con số để góp phần cùng đất nước đạt mức tăng trưởng 8% trong năm 2025. Quản trị phải đặc biệt coi trọng bảo đảm an ninh, an toàn, vận hành tốt; bảo đảm phù hợp định hướng chiến lược của Tập đoàn.

Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu Petrovietnam tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị, chuyển đổi hiệu quả thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Việt Nam; phấn đấu trở thành tập đoàn năng lượng hàng đầu, có thương hiệu của khu vực và thế giới, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu với tinh thần “nói được, làm được”, đã nói là làm, đã làm phải có kết quả, sản phẩm cụ thể, "cân, đong, đo, đếm" được.

Đi đầu trong đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển của Tập đoàn; đặc biệt phải xây dựng cơ sở dữ liệu số của Tập đoàn từ khi thành lập đến nay, từ đó mới hình thành trí tuệ nhân tạo (AI) của Petrovietnam; hoạch định chính sách phải dựa trên cơ sở dữ liệu, những con số biết nói. Cơ sở dữ liệu vừa là nguồn lực, động lực, tư liệu sản xuất, tài nguyên.

Tái cấu trúc Petrovietnam phù hợp Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia, theo đó, phải tái cấu trúc quản trị thông minh, quản trị số, nguyên liệu đầu vào, quản lý thông minh; hoàn thiện thể chế, có cơ chế, chính sách ưu tiên, đặc thù để phát triển Tập đoàn thuận lợi; khi tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, từ đó thay đổi bộ máy, thay đổi cơ chế, chính sách bảo đảm phù hợp.

Tập đoàn phải chủ động đề xuất cơ chế, chính sách; phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với các tập đoàn, tổng công ty khác, các cơ quan liên quan, các tập đoàn lớn trên thế giới để tranh thủ vốn đầu tư, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị và góp phần đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù.