Thiếu mới mẻ và gây ức chế
Trong các phim truyền hình lên sóng, phải kể đến: “7 năm chưa cưới sẽ chia tay”, “Cha tôi, người ở lại”, “Hạnh phúc bị đánh cắp”...
“7 năm chưa cưới sẽ chia tay” được chuyển thể từ Secret Love, bộ phim đình đám của Hàn Quốc năm 2013. Thời điểm đó, khán giả vẫn đang chuộng mô-típ những tình yêu éo le, vượt qua rào cản, trai nhà giàu yêu cô gái nghèo. Nhân vật nữ thường hiền lành dịu dàng đến mức nhu nhược, gặp khó khăn chỉ biết chờ đợi nam chính giúp đỡ.

Phim “Cha tôi, người ở lại”. Ảnh: Nhà sản xuất phim cung cấp
Khi được các nhà làm phim Việt Nam thực hiện lại dự án, nữ chính Thiên Ân ở “7 năm chưa cưới sẽ chia tay” hội tụ đủ những tính cách tiêu biểu của xu hướng phim Hàn từ 10 năm trước. Thiên Ân luôn hết mình trong tình yêu, mù quáng tới độ sẵn sàng nhận tội gây tai nạn chết người dù bạn trai là người cầm lái, để rồi đi tù thay anh ta.
Tuy nhiên, việc xây dựng nhân vật chính nhu nhược, không có lý trí khiến người xem bức xúc. Nếu là năm 2013, kiểu nhân vật ngoan hiền thánh thiện rất được yêu thích thì bây giờ, gu xem phim của khán giả đã chuyển hướng sang mẫu nhân vật nữ cường. Thế nên càng xem, khán giả càng khó chịu, ức chế với dự án này.
Ở hướng khác, bộ phim “Cha tôi, người ở lại” được làm lại từ tác phẩm đình đám “Lấy danh nghĩa người nhà” của Trung Quốc. Theo báo cáo của VTV Ratings, phim giữ vững vị trí phim truyền hình được khán giả quan tâm nhất trên các kênh VTV trong 4 tháng liên tiếp phát sóng.
Dẫu nhận được lượt xem tốt nhưng “Cha tôi, người ở lại” được đánh giá là bộ phim gây nhiều ức chế cho khán giả trong việc xây dựng nhân vật vô lý, thiếu logic. Dự án bị đánh giá chưa có nhiều đột phá so với bản gốc khi nhiều tình tiết như bê nguyên từ gốc, không có sự sáng tạo, làm lại mới mẻ hơn.
Gần nhất là “Hạnh phúc bị đánh cắp” - được làm lại từ dự án “Trái tim trong sáng” của Hàn Quốc. Bộ phim vừa khép lại vào cuối tháng 5/2025 với 5 tỷ lượt xem trên các nền tảng số. Tuy nhiên, lượt xem không đi kèm với phản ánh tích cực mà ngược lại dự án nhận về làn sóng chỉ trích từ khán giả khi xây dựng nhân vật phản diện quá phi lý.
Dù độc ác, gian xảo, dối trá nhưng nhân vật phản diện luôn gặp may mắn, được nhiều người yêu thương, tin tưởng một cách mù quáng. Trong khi đó, nhân vật hiền lành, trung thực, sống rất tình nghĩa luôn bị đẩy vào tình huống bất công. Càng xem, khán giả càng bức xúc không phải vì xúc động hay đồng cảm mà vì cảm thấy bị dồn nén.
Phim remake không tệ nhưng cần biết cách khai thác
Ở góc độ tích cực, giới làm phim cho rằng, phim remake không phải là hướng đi tệ của các nhà sản xuất phim. Bởi việc tận dụng các kịch bản phim nổi tiếng ở nước ngoài sẽ phần nào hút khán giả trong nước. Khán giả sẽ tò mò xem bộ phim này và có sự so sánh giữa hai phiên bản.
Các phim gốc luôn có lượng khán giả trung thành, vậy nên, khi nhà làm phim Việt remake lại sẽ tận dụng được lượng khán giả này.
Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, giới chuyên môn phim ảnh cho rằng, nếu xử lý không khéo, phim remake chỉ như một “lối đi cùng đường” của các nhà làm phim Việt trong thời điểm đang thiếu kịch bản chất lượng.
Việc phim remake ồ ạt tấn công màn ảnh Việt, khiến nhiều người lo ngại cho thị trường kịch bản Việt vốn đã thụ động nay lại càng thụ động.
Đó là khi nhà đầu tư chỉ cần một tác phẩm an toàn để sớm thu về lợi nhuận, diễn viên chỉ muốn ăn theo một tác phẩm đã có tiếng tăm, biên kịch chỉ dựa trên một công thức sẵn rồi xào nấu lại nhưng lại không phù hợp với xu hướng xem phim hiện tại của khán giả.
Mặc dù gây tranh cãi, phim remake vẫn được các nhà sản xuất Việt chọn vì lợi nhuận và tính an toàn. Các dự án này thường thu hút lượng xem cao và ổn định lợi nhuận quảng cáo. Tuy nhiên, nếu tiếp tục theo công thức này mà thiếu sự sáng tạo, khán giả sẽ dần quay lưng. Để chinh phục người xem, phim remake cần phù hợp với văn hóa Việt, đồng thời khuyến khích các kịch bản thuần Việt để giảm sự phụ thuộc vào phim ngoại.
(Theo Laodong.vn)