Thiệt hại lớn do dịch bệnh
Xã Suối Hai là một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn của TP Hà Nội. Thống kê sơ bộ, địa phương này hiện có 908 hộ đang chăn nuôi hơn 23.000 con lợn, trong đó chủ yếu là lợn thương phẩm với khoảng 20.100 con.
Từ ngày 7/7 đến nay, trên địa bàn xã Suối Hai đã xuất hiện 5 ổ dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, hai hộ có số lượng lợn mắc bệnh lớn nhất là ông Trần Văn Thành (thôn Bát Đầm): 136 con lợn, và ông Nguyễn Chu Minh Tiến (thôn Hoàng Long): 90 con lợn.
Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hiệu quả ngăn nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi.
Chủ tịch UBND xã Suối Hai Nguyễn Ngọc Mạnh cho biết, ngay sau khi ghi nhận lợn ốm chết, chính quyền địa phương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Ba Vì tổ chức tiêu huỷ toàn bộ lợn chết theo quy định để tránh lây lan dịch tả ra các hộ chăn nuôi khác.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi thuỷ sản và thú y Hà Nội, hiện nay toàn TP đã ghi nhận 28 hộ tại 7 xã, phường: Thượng Phúc, Cổ Đô, Ba Vì, Bất Bạt, Suối Hai, Đoài Phương, Sơn Tây, có dịch tả lợn châu Phi. Tổng số lợn bị tiêu huỷ là 722 con với trọng lượng hàng chục tấn.
Đáng chú ý, ở những nơi có dịch, có lợn chết, đã xảy ra tình trạng xác lợn chết bị vứt ra ven đường, khu vực ao, hồ… Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, hành vi này còn làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cũng như con người.
Cần sự vào cuộc của chính quyền
Trên thực tế, công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi, thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, dịch tả lợn châu Phi nói riêng, có vai trò trách nhiệm rất lớn và hết sức quan trọng của chính quyền cơ sở.
Việc tại một số địa phương có tình trạng người dân vứt xác lợn chết ra ngoài, một mặt là do ý thức của người dân, nhưng mặt khác cũng phản ánh hiệu lực, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và quản lý địa bàn của chính quyền cơ sở trong phòng, chống dịch bệnh động vật.

Kiểm soát vận chuyển lợn vào tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thuỷ sản và thú y Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, đối với công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng, nhất là đối với việc phát hiện và xử lý ban đầu để ngăn chặn nguy cơ lây lan.
“Chi cục đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn phòng chuyên môn của UBND cấp xã trong việc xử lý xác động vật chết và thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Chúng tôi cũng đảm bảo đầy đủ vật tư, hoá chất để triển khai công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi…” - ông Ngô Đình Loát nói thêm.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi tại khu vực miền Bắc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị chính quyền cấp xã thành lập các Tổ công tác, tăng cường tuần tra, kiểm soát, giám sát địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường.
Chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi, cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định tại Luật Thú y. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi phát hiện lợn có dấu hiệu mắc bệnh, chết, cần thực hiện khai báo với chính quyền địa phương để được hướng dẫn xử lý và hỗ trợ theo quy định.
Trích dẫn
Điều 5 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y nêu rõ: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển và vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường. Trường hợp tái phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý hình sự theo quy định tại Điều 241 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.