Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 21/10 (giờ Việt Nam), cả giá dầu Brent và WTI cùng tăng trong khoảng 30 cent. Tuần trước, giá dầu đã không thể xác lập hat-trick tăng tuần, ghi nhận tuần trượt dốc bất ngờ tới hơn 7%.
Các chuyên gia cho biết, yếu tố chính khiến sắc đỏ phủ bóng gần như toàn bộ các phiên giao dịch là lo ngại nhu cầu dầu toàn cầu giảm. Với lý do nguồn cầu từ Trung Quốc giảm, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay. Theo OPEC, nhu cầu sẽ tăng 1,93 triệu thùng/ngày, giảm 0,1 triệu thùng so với mức dự báo hồi tháng trước. Tương tự, IEA dự báo nhu cầu sẽ tăng 860.000 thùng/ngày, giảm 40.000 thùng/ngày so với dự báo trước.
Dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc cho thấy, trong quý III năm nay, tăng trưởng kinh tế tại quốc gia này giảm xuống còn 4,6%. Đáng chú ý là hoạt động lọc dầu của nước này ghi nhận tháng giảm thứ 5 liên tiếp. Trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 10,99 triệu thùng/ngày.
Thông tin Israel sẽ không tấn công vào các cơ sở hạt nhân và dầu mỏ của Iran khiến lo ngại gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông giảm bớt. Điều này cũng giúp “hạ nhiệt” giá dầu. Tuy nhiên, việc Israel tăng cường các cuộc tấn công ở Gaza và Lebanon cuối tuần qua làm cho tình hình địa chính trị ở Trung Đông trở nên xấu hơn. Các nhà đầu tư lo ngại xung đột có thể leo thang tại khu vực này.
Các nhà đầu tư cũng quan tâm đến các số liệu kinh tế của Mỹ. Trong tháng 9, doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 0,4%, cao hơn mức dự báo 0,3%. Sự tăng trưởng này củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ không cần thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất lớn hơn trong tương lai gần. Tuy nhiên, thị trường vẫn định giá Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 2 lần 25 điểm phần trăm trước khi kết thúc năm và chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed sẽ kéo dài đến tháng 9 năm sau.
Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục quan sát căng thẳng ở Trung Đông, mức tồn kho xăng dầu ở Mỹ và các dữ liệu kinh tế đáng chú ý khác từ Trung Quốc và Mỹ. Dự kiến ngày hôm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản, động thái mới nhất của Bắc Kinh trong một loạt các biện pháp hỗ trợ tiền tệ, tài khóa và thanh khoản nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, phục hồi tăng trưởng và chống giảm phát.