Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 3/10 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 75,49 USD/thùng, giảm 0,38% (tương đương giảm 0,29 USD/thùng). giá dầu Brent ở mốc 78,79 USD/thùng, giảm 0,45% (tương đương giảm 0,36 USD/thùng).
Các chuyên gia cho biết, sự giảm nhanh chóng ngay khi bắt đầu phiên giao dịch đầu tiên của tuần bất chấp lo ngại căng thẳng ở Trung Đông gia tăng có thể gây gián đoạn nguồn cung.
Theo CNN, Mỹ đã quyết định gửi quân và một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Israel nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nước này trước các tên lửa đạn đạo của Iran.
Tuần trước, giá dầu đã ghi nhận thêm một tuần tăng, tuy nhiên mức tăng khá khiêm tốn, chỉ hơn 1%.
Thị trường dầu mỏ đã căng thẳng suốt cả tuần trước, đối mặt với tin đồn về khả năng cuộc tấn công của Israel vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran cũng như khả năng xảy ra sự cố mất điện lớn do bão Milton ở Mỹ. Nhưng cuối cùng, cuộc tấn công đã không xảy ra, điều này đã đẩy giá dầu lao dốc.
Thêm vào đó, dù bão Milton đã tàn phá bang Florida, nhưng tác động liên quan đến dầu mỏ của bão tương đối nhỏ, khiến những tin tức xoay quanh nền kinh tế vĩ mô của Mỹ được chú ý hơn, đặc biệt là sau khi lạm phát của Mỹ giảm xuống mức 2,4% hằng năm.
Hạn chế đà tăng của giá dầu trong tuần trước, theo chiến lược gia thị trường tại IG Yeap Jun Rong, còn bởi sự tăng cao trong tồn kho dầu của Mỹ và khả năng nới lỏng tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tuần tính đến ngày 4/10, tồn kho dầu của Mỹ tăng 5,8 triệu thùng, cao hơn gấp đôi so với kỳ vọng của các nhà phân tích, nhưng ít hơn gần một nửa so với báo cáo tăng sốc tới 10,9 triệu thùng của Viện Dầu khí Mỹ.
Đáng chú ý là trong tuần trước, khi thị trường tiếp nhận thông tin về khả năng Hezbollah và Israel có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, giá dầu đã có phiên lao dốc hơn 4%. Nhưng những yếu tố tăng như nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Mỹ tăng đột biến trước bão Milton, rủi ro nguồn cung ở Trung Đông, động thái mới từ Trung Quốc giúp thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới này (công bố dự thảo nhằm thúc đẩy phát triển của khu vực tư nhân) đã hỗ trợ giá dầu lấy lại được những mất mát trước đó.
Trong khi đó tại Mỹ, thị trường ngày càng tin tưởng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp vào tháng 11 sau dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần tăng, đồng thời lạm phát tăng hằng năm ở mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Về phía cung, Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya cho biết đã khôi phục mức sản lượng dầu 1,25 triệu thùng/ngày.
Tuần này, thị trường sẽ dõi theo dữ liệu tiêu dùng của Mỹ để xem liệu chi tiêu tiêu dùng tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng dầu thế giới có tiếp tục giữ vững hay không. Theo các nhà phân tích, trong ngắn hạn, bất kỳ dữ liệu kinh tế mạnh nào ảnh hưởng đến chu kỳ nới lỏng của Fed có thể gây áp lực lên giá.