Gia tăng số ca nhiễm virus RSV trong thời điểm giao mùa

Kinhtephapluatvietnam - Trong những tuần gần đây, nhiều cơ sở y tế ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi khi thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây lan.
sk2-1728956768.PNG
Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc virus hợp bào hô hấp RSV. Ảnh: BVCC  

Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, khoa Hô hấp hiện đang điều trị 54 bệnh nhi viêm phổi do nhiễm RSV, trong đó có 5 ca nặng cần thở oxy. Tương tự, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cũng ghi nhận số lượng trẻ nhập viện vì viêm phổi do RSV trong nửa cuối tháng 9, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Khoa Hô Hấp – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đang điều trị cho bé trai 2 tháng tuổi (trú tại TP Vinh) có biểu hiện ho, ngạt mũi từ 3 ngày trước. Trước đó, gia đình cho trẻ đi khám và uống thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Khi thấy trẻ có biểu hiện ho nhiều hơn, khó thở, gia đình đưa trẻ đến bệnh viện. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm chẩn đoán và tìm ra căn nguyên gây bệnh. Kết quả cho thấy trẻ bị viêm phổi do nhiễm virus hợp bào hô hấp.

Theo các bác sĩ, RSV là virus hợp bào hô hấp, lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người bệnh như nước bọt, dịch mũi qua ho, hắt hơi hoặc từ tay có mang các giọt chứa virus... Trẻ em thường bị nhiễm RSV ở những nơi công cộng như trường học, khu vui chơi, hoặc trung tâm chăm sóc trẻ em, sau đó có thể truyền virus cho các thành viên khác trong gia đình.

Dù là loại virus thường gặp, nhưng virus này đặc biệt nguy hiểm vì có thể gây viêm phổi nặng trong thời gian ngắn, đe dọa tính mạng trẻ nhỏ nếu không được điều trị kịp thời. Khi để bệnh tiến triển, có thể dẫn đến biến chứng nặng, kéo dài thời gian điều trị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Trẻ bị nhiễm virus RSV thường có những dấu hiệu khởi phát là các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, sổ mũi… Giai đoạn toàn phát trẻ điển hình với triệu chứng ho khò khè nhiều, thở nhanh, xuất tiết đờm dãi nhiều, có thể tím tái hoặc có cơn ngừng thở, suy hô hấp.

Các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh và khiến bệnh trở nặng gồm: trẻ đẻ non, cân nặng khi sinh thấp; trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc có bệnh lý nền.

TS.BS Bùi Anh Sơn – Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng, làm thông thoáng đường thở.

Do đó, để phòng bệnh cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần chú ý vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ đúng lịch – đủ liều. Khi trẻ có các triệu chứng bệnh cần đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.