Giả danh quân nhân để lừa đảo: thủ đoạn cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy

Kinhtedothi- Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tái diễn chiêu trò giả danh quân nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn lừa đảo không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy.

Bà N.T.T (61 tuổi)- chủ một cửa hàng tạp hóa tại phường Nghĩa Lộ (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vừa bị lừa mất hơn 50 triệu đồng.

Theo trình báo của nạn nhân, bà nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu là cán bộ đang công tác tại bộ phận hậu cầu trong quân đội, thông tin về địa chỉ trụ sở đơn vị và bản thân được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ đặt hàng hóa, suất ăn… với số lượng lớn nhằm phục vụ công tác.

Sau khi kết thúc cuộc gọi, đối tượng trên chủ động kết nối với bà qua Zalo có hình ảnh đại diện là quân nhân; trao đổi thông tin về số lượng hàng hóa dự định sẽ đặt cho đơn vị và yêu cầu gửi báo giá.

Để củng cố thêm niềm tin của bà T, người này chủ động đề nghị chuyển khoản trước một số tiền để đặt cọc, hứa hẹn sẽ thanh toán đầy đủ sau khi nhận hàng tại đơn vị và gửi cho nạn nhân loạt giấy tờ giả mạo như: thẻ quân nhân, giấy ra vào cổng, bảng kê mua hàng...

Giấy tờ giả mạo đơn vị quân đội.

Giấy tờ giả mạo đơn vị quân đội.

Sau đó, đối tượng lại gửi hình ảnh, đề nghị chủ cơ sở kinh doanh báo giá một số mặt hàng theo tiêu chuẩn riêng mà cơ sở kinh doanh không có sẵn, đồng thời thông tin đơn vị đang rất cần mặt hàng này với số lượng lớn.

Bước tiếp theo, đối tượng giới thiệu cho bà về một doanh nghiệp (ảo) mà đơn vị quân đội thường đặt hàng để nạn nhân liên hệ đặt hàng như yêu cầu. Tin tưởng vào lời giới thiệu và liên hệ với “doanh nghiệp", bà T được quảng bá về sản phẩm và dẫn dụ nhập hàng với số lượng lớn để được nhận chiết khấu cao.

Zalo của "doanh nghiệp" do đối tượng giả mạo quân nhân cung cấp.

Zalo của "doanh nghiệp" do đối tượng giả mạo quân nhân cung cấp.

Chủ quan và không kiểm chứng thông tin, nạn nhân chuyển tiền đặt cọc cho “doanh nghiệp" mà không chút do dự. Sau khi nhận tiền, các đối tượng liền khóa tài khoản, cắt liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Tương tự, bà H.T.K.A (65 tuổi) - chủ cửa hàng kinh doanh gạo trên địa bàn phường Trần Phú (TP Quảng Ngãi) cũng là nạn nhân của chiêu trò giả mạo quân nhân để lừa đảo.

Một bảng kê giả mạo đơn vị quân đội gửi cho chủ cửa hàng.

Một bảng kê giả mạo đơn vị quân đội gửi cho chủ cửa hàng.

“Do tin tưởng các thông tin, giấy tờ liên quan được gửi qua Zalo, tôi đã thuê xe tải chở gạo đến địa điểm giao hàng theo yêu cầu. Tuy nhiên, đây không phải là trụ sở của đơn vị quân đội, khi đó tôi mới phát hiện mình bị lừa” – chủ cửa hàng gạo cho hay.

May mắn hơn các trường hợp trên, ông T.V.A (51 tuổi) chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, điện nước, sơn nước tại xã Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa) đã kiểm chứng thông tin và không bị sập bẫy, mất tiền oan.

“Do có người thân đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nên tôi đã kịp thời liên hệ, kiểm chứng thông tin về họ tên, cấp bậc, chức vụ, vị trí công tác và thông tin đặt hàng của quân nhân giả mạo nên không mắc bẫy”- ông T.V.A chia sẻ.

Thực tế, chiêu trò giả mạo cán bộ quân đội để liên hệ các cơ sở kinh doanh hàng hóa, nhà hàng... đặt mua hàng, suất ăn với số lượng lớn, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là thủ đoạn mới, nhưng nhiều người vẫn sập bẫy kẻ xấu.

Nhiều người là nạn nhân của chiêu trò giả mạo quân nhân để lừa đảo. Nhiều người là nạn nhân của chiêu trò giả mạo quân nhân để lừa đảo.

Trước tình hình trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo người dân cần cảnh giác đối với những đối tượng tự xưng mình là quân nhân, cán bộ công an.

Nếu không quen biết, phải yêu cầu xem chứng minh thư quân đội, giấy chứng minh công an nhân dân, hoặc giấy giới thiệu về địa phương công tác; mọi giao dịch chuyển tiền cần xác thực đầy đủ thông tin để tránh bị lừa đảo…

Trường hợp nghi vấn các đối tượng mạo danh quân nhân, cán bộ công an để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.