Màu sắc của chúng thường đến từ flavonoid, hóa chất thực vật mạnh (phytochemical) góp phần vào nhiều khía cạnh của sức khỏe.
Một nghiên cứu lớn của Đại học Harvard được công bố trên tạp chí Neurology mới đây cho thấy flavonoid cũng có thể đóng vai trò trong việc bảo vệ nhận thức.
Các nhà khoa học đã đánh giá dữ liệu sức khỏe và thông tin chế độ ăn uống của hơn 77.000 nam và nữ trung niên, được thu thập trong hơn 20 năm. Thông tin bao gồm tần suất những người tham gia ăn nhiều loại thực phẩm giàu flavonoid và liệu những người tham gia có báo cáo những thay đổi về nhận thức ở độ tuổi 70 hay không, chẳng hạn như khó ghi nhớ các sự kiện gần đây, khó tìm đường trên những con phố quen thuộc…
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tính toán lượng hấp thụ 6 loại flavonoid của những người tham gia: flavonol (như quercetin trong hành tây và cải xoăn), flavone (như luteolin trong ớt xanh và cần tây), flavanone (như naringenin trong bưởi và cam), flavan-3-ol monome (như catechin trong rượu vang đỏ và dâu tây) anthocyanin (như cyanidin trong quả mâm xôi đen và bắp cải đỏ), polyme (như theaflavin trong trà đen).
Sau khi tính đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nhận thức (như tuổi tác, cân nặng, hoạt động thể chất, lượng rượu tiêu thụ, trầm cảm và lượng chất dinh dưỡng không phải flavonoid tiêu thụ), các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người tiêu thụ flavonoid hàng ngày cao nhất có khả năng gặp vấn đề về trí nhớ và suy nghĩ ít hơn 19% so với những người tiêu thụ flavonoid hàng ngày thấp nhất.
"Kết quả của chúng tôi rất thú vị vì chúng cho thấy rằng ăn thực phẩm giàu flavonoid có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ và các quá trình nhận thức khác ở tuổi già" - TS Walter Willett, một trong những tác giả của nghiên cứu và là giáo sư dịch tễ học và dinh dưỡng, cho biết.
Các loại trái cây và rau quả trong nghiên cứu có liên quan nhiều nhất đến tác dụng có lợi cho nhận thức, được liệt kê từ mạnh nhất đến yếu nhất: bắp cải Brussels, dâu tây, súp lơ, rau bina sống, khoai mỡ/khoai lang, việt quất, bí mùa Đông vàng/cam, rau bina nấu chín, cà rốt nấu chín, đào/mơ/mận, dưa lưới, nước ép cà chua, sốt táo, ớt xanh/đỏ/vàng, súp lơ xanh, bắp cải, sốt cà chua, rau diếp, cà chua, bưởi, cần tây, củ cải đường, rau diếp, khoai tây nướng/luộc/nghiền, nước cam, cà rốt sống, táo/lê, nước ép bưởi, chuối, cam, hành tây, nước ép táo/rượu táo, trà, rượu vang trắng, nho/nho khô, rượu vang đỏ.
Flavonoid có tác dụng kỳ diệu gì? Chúng ta không biết chắc tại sao flavonoid lại có thể đóng vai trò bảo vệ nhận thức. Nhưng chúng ta biết rằng flavonoid là chất chống oxy hóa mạnh, có thể chống lại tình trạng viêm não và sự tích tụ của amyloid - một dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer.
Chất chống oxy hóa cũng có thể đóng vai trò trong việc duy trì các mạch máu khỏe mạnh (giúp máu lưu thông lên não); tăng sản xuất các yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não, các chất hóa học giúp sửa chữa các tế bào não, tăng cường các kết nối của chúng, thúc đẩy sự phát triển của tế bào não mới và mở rộng kích thước của hồi hải mã (một phần của não liên quan đến việc lưu trữ và truy xuất ký ức).
Thêm vào đó, chúng ta biết rằng flavonoid có liên quan đến việc chống lại tình trạng viêm và sự phát triển của khối u, và trong việc hạ huyết áp.