EVN đề xuất tiếp tục đầu tư điện hạt nhân

Kinhtedothi- Năm 2024 tổng doanh thu hợp nhất của EVN đạt khoảng 575.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu công ty mẹ - EVN đạt 480.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với 2023... Đặc biệt, EVN đề xuất Thủ tướng giao Tập đoàn tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nguồn điện mới.

Không để thiếu điện và kỳ tích các dự án

Phó Bí thư Thường trực EVN Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, năm qua, Đảng bộ EVN thực hiện nhiệm vụ với nhiều khó khăn, thách thức về đảm bảo cung ứng điện, đầu tư xây dựng và cân đối tài chính...

Phó Bí thư Thường trực EVN Nguyễn Hữu Tuấn trình bày báo cáo tổng kết công tác Đảng năm 2024. Ảnh: Khắc Kiên

Phó Bí thư Thường trực EVN Nguyễn Hữu Tuấn trình bày báo cáo tổng kết công tác Đảng năm 2024. Ảnh: Khắc Kiên

Trong bối cảnh đó, Đảng ủy Tập đoàn đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu quan trọng; các nội dung công tác xây dựng Đảng đều đạt được nhiều kết quả. Các tổ chức đoàn thể trong Tập đoàn tích cực triển khai các hoạt động tới cơ sở, động viên cán bộ công nhân viên, người lao động vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng tặng Cờ Thi đua cho EVN. Ảnh: Khắc KiênPhó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng tặng Cờ Thi đua cho EVN. Ảnh: Khắc Kiên

Cụ thể, Đảng ủy EVN đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết, chương trình công tác đề ra năm 2024. Kết quả, hoàn thành đạt và vượt 5/5 chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng, trong đó chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới đạt 128%...

Tập đoàn cũng đã tập trung chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão số 3 và mưa lũ trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị, nhanh chóng khôi phục cung cấp điện cho toàn bộ khách hàng.

Tổng sản lượng điện tiết kiệm của các tổng công ty điện lực năm 2024 đạt khoảng 6,51 tỷ kWh, tương đương 2,46% điện thương phẩm. Năng suất lao động bình quân toàn EVN ước đạt 3,33 triệu kWh/người, tăng khoảng 10% so với thực hiện năm 2023.

Theo Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2024 đạt 308,73 tỷ kWh, tăng 9,9% so năm 2023; điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 276,4 tỷ kWh, tăng 9,24% so với năm 2023. Tổn thất điện năng toàn EVN năm 2024 ước đạt 6,05%. 

Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An tặng Giấy khen cho 5 tổ chức cơ sở Đảng có thành tích. Ảnh: Khắc Kiên Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An tặng Giấy khen cho 5 tổ chức cơ sở Đảng có thành tích. Ảnh: Khắc Kiên

Về doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn ước đạt 575.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2023, trong đó, doanh thu của công ty mẹ EVN ước đạt 480.662 tỷ đồng. Giá trị nộp ngân sách ước đạt 25.000 tỷ đồng (bằng 101% so với năm 2023).

Về công tác kinh doanh, EVN tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các dịch vụ điện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội. EVN cũng đã tiếp tục nỗ lực trong tiếp nhận lưới điện và phát triển điện nông thôn, miền núi, hải đảo.

Tăng nguồn cung điện và tập trung các dự án trọng điểm

Công tác đầu tư xây dựng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật kỳ tích hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối theo đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao, hoàn thành dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng. Tập đoàn cũng đã đưa vào vận hành kịp thời nhiều dự án lưới điện bảo đảm cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2024 và chuẩn bị cấp điện năm 2025. Giá trị giải ngân vốn đầu tư đạt 112.892 tỷ đồng, vượt kế hoạch 10,8%...

Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, năm 2025, Đảng ủy Tập đoàn lãnh đạo thực hiện 6 mục tiêu/nhóm mục tiêu. Trong đó, tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân, đặc biệt đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và các sự kiện chính trị, xã hội lớn trong năm 2025 với sản lượng điện thương phẩm đạt từ 300,9 - 305,6 tỷ kWh.

Tổng vốn đầu tư toàn Tập đoàn dự kiến đạt 109.669 tỷ đồng. Ngoài ra, EVN phấn đấu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo có lợi nhuận; năng suất lao động theo sản lượng điện thương phẩm tăng 8% trở lên.EVN đề xuất tiếp tục đầu tư điện hạt nhân  - Ảnh 1Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An tặng Cờ Thi đua cho các đơn vị có thành tích xuất sắc. Ảnh: Khắc Kiên

Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2025 có lợi nhuận, từng bước lành mạnh tình hình tài chính...

Đặc biệt, thay mặt EVN, Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn đề xuất Thủ tướng giao tập đoàn tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nguồn điện mới. 

Địa điểm chọn đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 thuộc xã Vĩnh Hải và Phước Dinh (tỉnh Ninh Thuận) trước đây đã được các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá kỹ. Sau 8 năm tạm dừng, cuối tháng 11/2024, Quốc hội quyết nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận .

Tại Chỉ thị 01 ngày 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo triển khai, hoàn thành việc đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm.

Điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững. Do đó, phát triển nguồn điện này giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050 theo cam kết tại COP26.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu GDP 8%, làm nền tảng để đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2026 - 2030. Với mức tăng trưởng này, điện năng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần, tức là mỗi năm cần bổ sung 8.000 - 10.000MW vào hệ thống.

Vì vậy, EVN kiến nghị Thủ tướng tiếp tục giao tập đoàn này làm chủ đầu tư các dự án nguồn điện mới, bên cạnh điện hạt nhân Ninh Thuận. Tập đoàn cũng đề nghị Thủ tướng và bộ ngành, địa phương hỗ trợ thực hiện các dự án cấp bách, rút ngắn thời gian chuẩn bị và thi công xây dựng, kịp thời tăng nguồn cung điện cho miền Bắc.

 

Giải pháp đảm bảo điện năm 2025 của EVN:

Chủ động theo dõi, cập nhật, đánh giá độ khả dụng của các nhà máy điện và theo dõi, cập nhật các yếu tố về sản xuất điện, nhu cầu phụ tải, diễn biến thuỷ văn để phối hợp với NSMO lập kế hoạch huy động nguồn điện, vận hành hệ thống điện đảm bảo an toàn, ổn định, tin cậy và hiệu quả gắn với giảm tổn thất điện năng, tận dụng tài nguyên nước, đáp ứng các yêu cầu cấp nước cho hạ du.

Chỉ đạo các nhà máy điện chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị sản xuất điện ngay từ đầu năm 2025, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu cho phát điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện.

Huy động tối ưu các nguồn điện miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc và điều tiết giữ nước các hồ thuỷ điện ở mức nước hợp lý đến cuối mùa khô năm 2025. Siết chặt kỷ luật vận hành, giảm thiểu tối đa sự cố, không để xảy ra sự cố chủ quan.