Cách đại gia Nguyễn Cao Trí hối lộ để có siêu dự án

Để có được siêu dự án Đại Ninh tại Lâm Đồng, đại gia Nguyễn Cao Trí đã dùng mối quan hệ và tiền hối lộ nhiều quan chức.

Ở vụ án liên quan đến sai phạm tại dự án Đại Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh Nguyễn Cao Trí bị Viện KSND Tối cao truy tố về tội "Đưa hối lộ".

Ông Nguyễn Cao Trí tại phiên tòa sơ thẩm liên quan đại án Vạn Thịnh Phát

Ông Nguyễn Cao Trí tại phiên tòa sơ thẩm liên quan đại án Vạn Thịnh Phát

Theo cáo trạng, siêu dự án Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư tại 4 xã ở huyện Đức Trọng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh (do bà Phan Thị Hoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc) với diện tích hơn 3.595ha, tiến độ đầu tư từ năm 2010 đến 2018. Sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra các sai phạm, kiến nghị thu hồi, ông Trí đã thỏa thuận để mua lại dự án.

Theo cáo trạng, ông Trí đã lợi dụng mối quan hệ và dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết một số người có chức vụ quyền hạn trong các cơ quan Nhà nước tại Trung ương và tỉnh Lâm Đồng. Mục đích nhằm "điều chỉnh trái pháp luật" các quyết định đúng đắn của Nhà nước trong việc xử lý sai phạm để dự án không bị thu hồi, được giãn tiến độ. Từ đó, ông Trí mua lại dự án rồi "chuyển nhượng ngay để trục lợi".

Sau khi ông Trí mua lại dự án Đại Ninh, Thanh tra Chính phủ nhận được hai văn bản của Văn phòng Chính phủ chuyển đơn của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II, Thanh tra Chính phủ) sau đó lần lượt đề xuất chuyển đơn đến Vụ Giám sát và UBND tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Minh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (đã chết), đều không phê duyệt, do đang nhận lời giúp ông Trí sửa kết luận thanh tra. Ông Minh và ông Trí là bạn nghiên cứu sinh cùng nhau.

Cáo trạng nêu ông Minh đã hướng dẫn ông Trí làm đơn gửi đến lãnh đạo Chính phủ qua Văn phòng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo, chuyển đơn đến Thanh tra Chính phủ làm căn cứ xem xét giải quyết.

Theo gợi ý, ông Trí tiếp tục lo lót để gửi đơn ở Văn phòng Chính phủ. Chưa đầy một tuần sau, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ theo hướng cụ thể, "mạnh mẽ" hơn.

Cáo trạng cũng nêu, ông Minh và cấp dưới biết Sài Gòn Đại Ninh không có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án nên đã hướng dẫn Trí chuẩn bị các tài liệu hợp thức. Do đó, ông Trí đã thuê Công ty Kiểm toán DFK lập gấp báo cáo kiểm toán, xác định vốn góp của Sài Gòn Đại Ninh là 2.000 tỷ đồng nhưng không có chứng từ chứng minh.

Ngoài ra, ông Trí còn huy động tiền để chuyển đủ 2.000 tỷ đồng vào tài khoản tiền gửi của công ty để Ngân hàng Sacombank xác nhận số dư trên tài khoản ở thời điểm góp vốn là 2.000 tỷ đồng. Được ghi nhận xong, ông Trí chỉ đạo rút toàn bộ tiền trong tài khoản để tất toán các khoản vay đã huy động trước đó.

Ngày 10/5/2021, ông Minh ký báo cáo gửi Chính phủ kiến nghị điều chỉnh kết luận thanh tra theo hướng cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ dự án. Cùng lúc, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đồng thuận với báo cáo của Thanh tra Chính phủ.

Khi đã có ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ giao thực hiện, ngày 30/6/2021, ông Minh ký kết luận sửa đổi kết luận thanh tra. Dự án từ bị kiến nghị thu hồi thành không thu hồi, tiếp tục cho gia hạn, giãn tiến độ thực hiện.

Cơ quan công tố cáo buộc, sau khi được giúp đỡ cho gia hạn, giãn tiến độ dự án, ông Nguyễn Cao Trí hai lần đến nhà riêng của ông Minh tại Quận 3, TP Hồ Chí Minh, để đưa tổng cộng 10 tỷ đồng.

Khi dự án được giãn tiến độ, ông Trí đã bán cho Công ty Thiên Vương của Tập đoàn Novaland với giá trị thực tế là 27.600 tỷ đồng và đã nhận 2.700 tỷ đồng.