Bác sĩ Annie Nguyễn – CEO VTM Annie: biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ chủ yếu do “trái tim lầm chỗ để trên đầu”

(Tieudung.vn) - Tháng nào cũng xử lý vài ca biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM), Bác sĩ Annie Nguyễn hay được khách hàng thân thiết gọi vui là “bà đỡ nhan sắc”. Bởi vị bác sĩ này không chỉ giúp khách hàng phục hồi nhan sắc từ chỗ khó coi do PTTM lỗi, mà còn giúp họ trở thành phiên bản đẹp nhất của chính họ.

Báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi trò chuyện với Bác sĩ Annie Nguyễn để tìm hiểu về nguyên nhân của những biến chứng không mong muốn sau quá trình làm đẹp của khách hàng, xảy ra rất nhiều trong thời gian qua.

Thưa bác sĩ, gần đây tình trạng khách hàng gặp biến chứng sau quá trình PTTM diễn ra rất nhiều. Nguyên nhân là do đâu?

Phải thừa nhận rằng tình trạng biến chứng sau PTTM trong khoảng 3 năm gần đây tăng khá nhanh, khoảng 20-30%. Nhu cầu làm đẹp tăng, số cơ sở làm đẹp mọc lên ngày càng nhiều, nên biến chứng tăng theo.

Nói riêng tại TP Hồ Chí Minh, mỗi năm Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phạt và buộc đóng cửa hàng chục phòng khám không có giấy phép hành nghề, điều kiện y khoa không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng thời gian qua đến chủ yếu từ những nơi không có chuyên môn y khoa.

Bác sĩ Annie Nguyễn – CEO VTM Annie: biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ chủ yếu do “trái tim lầm chỗ để trên đầu”

Bác sĩ Annie Nguyễn hay được khách hàng thân thiết gọi vui là “bà đỡ nhan sắc” vì không chỉ giúp khách hàng phục hồi nhan sắc từ chỗ khó coi do PTTM lỗi, mà còn giúp họ trở thành phiên bản đẹp nhất của chính mình

Cụ thể là những nơi nào, thưa bác sĩ?

Ngoài các phòng khám thiếu bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, các spa thực hiện dịch vụ “thẩm mỹ chui” là nơi đưa khách hàng vào tình thế nguy kịch nhiều nhất.

Spa và các cơ sở phun xăm thẩm mỹ là những đơn vị không có chức năng PTTM. Tuy nhiên, một số nơi vẫn cố tình lôi kéo khách hàng bằng những lời hứa hẹn ngọt ngào và giá rẻ hơn những phòng khám có giấy phép. Khách hàng liều lĩnh đâm đầu vào, chủ yếu vì ham rẻ, để rồi gánh lấy những hậu quả đau thương.

Spa thực hiện dịch vụ PTTM đã sai, nhưng cũng có nhiều khách hàng biết vậy mà vẫn cố tình lao vào. Một số khách hàng đến Viện thẩm mỹ Annie nhờ tư vấn còn khoe rằng, bạn của họ từng làm PTTM ở spa, làm rất đẹp mà giá lại rẻ. Chính suy nghĩ lệch lạc này đã góp phần kéo khách hàng vào vòng xoáy biến chứng nguy hiểm ngày càng nhiều. Đó là hệ quả của tư duy “ham rẻ”.

Khi đến nhầm chỗ, khách hàng thường gặp phải những biến chứng nào?

Các biến chứng sau PTTM cụ thể đã được chia sẻ nhiều trên các phương tiện truyền thông. Còn khách hàng đến Viện thẩm mỹ Annie khắc phục hậu quả chủ yếu ở dịch vụ cắt mí, nâng mũi.

Một số khách hàng cắt mí sai cách khiến mắt bị trợn ngược hoặc mí mắt co rút do mất da quá nhiều. Khách hàng nâng mũi thường bị hoại tử da, lồi sụn hoặc sụp trụ… Các biến chứng này cần được điều trị để khắc phục hậu quả, không còn mang ý nghĩa đi làm đẹp nữa. 

Để làm đẹp an toàn, khách hàng cần tìm phòng khám có giấy phép và bác sĩ dày dặn kinh nghiệm. Nhưng hiện nay khi ra đường, đâu đâu cũng thấy treo bảng “Viện thẩm mỹ”. Làm sao khách hàng tìm được đúng nơi uy tín để trao gởi niềm tin, thưa bác sĩ?

Hiện nay, quy định pháp luật về biển hiệu quảng cáo trong lĩnh vực thẩm mỹ còn thiếu chặt chẽ. Để làm đẹp hiệu quả và đảm bảo an toàn sức khỏe thì khách hàng phải tìm hiểu kĩ trước khi đồng ý thực hiện dịch vụ PTTM.

Các cơ sở làm đẹp có 3 loại: spa (chăm sóc da, cắt tóc, gội đầu…), cơ sở phun xăm thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Chỉ có các phòng khám chuyên khoa, bệnh viện thẩm mỹ hoặc khoa thẩm mỹ của bệnh viện đa khoa mới được phẫu thuật. Để xác định đâu là nơi được phép phẫu thuật, khách hàng chỉ cần yêu cầu cơ sở trưng ra giấy phép hành nghề (khác với giấy phép kinh doanh) do Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp.

Làm đẹp bằng PTTM hiện được xem là một nhu cầu thiết yếu của cả phái nữ và nam. Song, dù là nhu cầu chính đáng, khách hàng cũng đừng bao giờ giao hết sức khỏe và sự an toàn cho các “thợ mổ”.

Thật ra, có một số khách hàng vẫn biết các spa không được thực hiện và không có chức năng PTTM. Nhưng họ lại nghĩ rằng, làm các dịch vụ đơn giản như cắt mí hay nâng mũi thì các spa làm cũng được. Bác sĩ nhận định thế nào về hiện trạng này?

Các spa không có chức năng và chuyên môn PTTM. Đã không biết làm thì chắc chắn xảy ra biến chứng, trừ khi họ “hên” thôi. Tuy nhiên, nếu khách hàng đồng ý giao tính mạng của mình cho những người không biết gì về phẫu thuật nói chung và PTTM nói riêng, thì họ phải tự gánh lấy hậu quả.

Chuyện PTTM không nên được hiểu đơn giản như cách kê toa thuốc hay sát trùng vết thương. Quá trình thực hiện liên quan đến tính mạng con người nên yêu cầu về chuyên môn rất cao. Cụ thể, một bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật phải mất hơn 11 năm học và thực hành mới được cầm dao mổ (hành nghề phẫu thuật). Ngoài ra, phải trải qua 3 năm hành nghề nữa mới đủ điều kiện xin giấy phép thành lập phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Đặc biệt, quá trình hành nghề phải diễn ra liên tục trong 54 tháng.

Trong khi đó, các cơ sở không có giấy phép (spa, phun xăm) chỉ cần đi học một khóa cấp tốc một tuần đến một tháng là có thể chèo kéo và đưa khách hàng vào bẫy. Tất nhiên, các khóa học này “dạy chui” và không được cơ quan quản lý y tế nào công nhận. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và sinh mạng mình, khi có nhu cầu làm đẹp, khách hàng nên đến các cơ sở có giấy phép đầy đủ.

Cảm ơn bác sĩ!