Phát triển cà phê chất lượng cao tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới

Sản phẩm cà phê Việt đã hiện diện ở nhiều hệ thống phân phối trên thế giới và được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá khá cao. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần chiến lược bài bản về phát triển cà phê chất lượng cao.
hoi-thao-caphe-1711857082.jpg Toàn cảnh Hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỉ USD". Ảnh báo NLD

Trong những năm qua, cà phê Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường thế giới khi giá trị xuất khẩu tăng đều đặn qua các năm - từ 2,7 tỉ USD vào năm 2020 lên 4,2 tỉ USD năm 2023 và hứa hẹn cán mốc 5 tỉ USD trong năm nay.

Tuy nhiên, tỉ lệ xuất khẩu cà phê nguyên liệu vẫn còn cao, sản phẩm chế biến tuy tăng nhưng mới chiếm gần 13%. Trong khi đó, tiêu thụ ở thị trường nội địa vẫn ở mức thấp, chưa xứng tầm quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới với dân số gần 100 triệu người.

Chia sẻ về vấn đề này, tại Hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỉ USD" do báo Người lao động tổ chức chiều 30/3, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi tỉnh ở Việt Nam có 100 doanh nghiệp cà phê, riêng TP.HCM có khoảng 2.000 doanh nghiệp. Tính chung, cả nước có khoảng 10.000 doanh nghiệp cà phê. Tuy số lượng doanh nghiệp cà phê rất nhiều nhưng việc phát triển cà phê thương hiệu Việt ra thị trường thế giới còn hạn chế.

Trên thực tế, có ít thương hiệu cà phê Việt Nam trên thế giới, đâu đó gặp thương hiệu cà phê Trung Nguyên trên quầy kệ siêu thị một số nước. So với Thái Lan, Malaysia thì độ bao phủ và thị trường của các thương hiệu cà phê Việt Nam rất hạn chế. Do đó, ông Nguyễn Đức Hưng cho rằng để đạt 5 tỉ USD bền vững thì nhà nước và các cơ quan, ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư máy móc, các giải pháp kinh doanh, marketing quốc tế để phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Còn theo ông Phạm Chánh Trực, nguyên Trưởng ban Kinh tế trung ương, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP HCM: Để có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 5 tỉ USD? Trước hết, phải chuẩn bị hàng hóa như thế nào mới ra thị trường hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, chất lượng hàng hóa phải hướng về sản xuất hữu cơ, vì đó là tương lai, phải là hữu cơ, sinh thái.

Trong khi đó, tương lai, EU còn xét tiêu chuẩn tới phá rừng cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần phải tính, hàng hóa có sự khác biệt, vì có nhiều nước cũng xuất khẩu cà phê. Vì vậy, nếu đi vào sản xuất cà phê hữu cơ chúng ta sẽ có đặc sản, và nếu chế biến thành những thương hiệu có uy tín. Tại sao các nước châu Âu cần cà phê chế biến mà chúng ta lại xuất toàn cà phê thô?…

Do đó, chúng ta không chỉ xuất thô mà phải làm những sản phẩm chế biến sử dụng ngay, có uy tín. Chuẩn bị hàng hóa là một quá trình từ sản xuất tới chế biến, bảo quản, có được hạ tầng, kiểm soát được hàng hóa và sản phẩm và cả giá bán ở mức nào.

Vì vậy, ông Phạm Chánh Trực cho rằng, phải chuẩn bị thị trường. Thực tế, chúng ta đã ký Hiệp định thương mại tự do với rất nhiều nước nên thị trường các nước rộng mênh mông và thị trường cà phê cũng không phải nhỏ. Dư địa còn rất nhiều, chúng ta nên đầu tư vào chất lượng để 5 tỉ USD thực chất hơn; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến cho thương hiệu cà phê Việt Nam, bỏ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Cần tập trung vào sản xuất cà phê theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn; ứng dụng công nghệ cao…

mr-duong-1711857082.jpg Ông Nguyễn Hoài Dương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Báo NLD

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hoài Dương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong lộ trình phát triển, ngành hàng cà phê Việt Nam lớn mạnh về nhiều mặt, nhất là chất lượng đã được chú trọng đáng kể nhưng so với nhiều quốc gia trên thế giới, chất lượng xuất khẩu vẫn còn thấp hơn.

Do đó, cần thúc đẩy các khâu từ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mới có thể cải thiện được giá trị cũng như bảo đảm phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.

Về câu chuyện sản xuất, ông Nguyễn Hoài Dương cho hay, đây là nền tảng rất quan trọng tạo dựng chất lượng thương hiệu cà phê. Nông sản nói chung của Việt Nam, kể cả cà phê cũng chưa chú trọng nhiều tới chất lượng, tiêu chí để đánh giá, kể cả những quy định bắt buộc đối với người sản xuất phải bắt buộc, mà vì lợi ích chung của một quốc gia, vùng chỉ dẫn địa lý thì phải tuân thủ các yêu cầu, tiêu chí, điều kiện… và nhà nước vào phải cuộc, có cơ chế kiểm soát, dần dần, xây dựng ý kiến của người sản xuất trong bảo đảm tiêu chí, điều kiện.

Do đó, ông Nguyễn Hoài Dương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chặt chẽ hơn từ quy trình sản xuất, thu hái để đưa ra thị trường, chứ không còn dạng như hiện nay như chất lượng không bảo đảm, tỉ lệ trái xanh…

Cần tổ chức lại sản xuất, các khâu, cho ra các dòng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn. Đây là giải pháp cần thiết, thực tế và quan trọng, mới có điều kiện có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm các tiêu chuẩn điều kiện.

Đồng thời, cần những chiến lược của cả nhà nước, doanh nghiệp để có thể kết nối tiếp cận , với các thị trường không chỉ là truyền thống mà cả thị trường mới nổi, thị trường tiềm năng như Ấn Độ,Trung Quốc…

Ngoài ra, Nhà nước, các bộ ngành trung ương thấy được các mặt hàng chiến lược quan trọng cần sự quan tâm đúng tầm. Một số mặt hàng nông sản cần chiến lược đầu tư, có chính sách rất rõ ràng, cụ thể, hỗ trợ nông dân bứt phá mạnh mẽ hơn thì mới có chỗ đứng trong tương lai./.