Hoàn thiện thể chế lĩnh vực bổ trợ tư pháp

Kinhtrdothi - Năm 2024, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác bổ trợ tư pháp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

pl3-1735008012.PNG

Người dân thực hiện thủ tục hành chính về bổ trợ tư pháp tại Bộ phận Một cửa Sở Tư pháp TP Hà Nội. Ảnh: Bạch Dương

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đặng Kim Hoa cho biết, năm 2024, công tác xây dựng thể chế về bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công chứng (sửa đổi) và Thông tư số 03/2024/TT-BTP ngày 15/5/2024 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung 08 thông tư liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Bộ cũng đang xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 11 văn bản, đề án, nghị quyết.

Về công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về vị trí, vai trò của hoạt động bổ trợ tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực; pháp luật về bổ trợ tư pháp từng bước được hoàn thiện, bám sát chủ trương đổi mới theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.

Số lượng người hành nghề bổ trợ tư pháp và mạng lưới các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp phát triển, phân bổ rộng khắp trên phạm vi cả nước đáp ứng cơ bản yêu cầu dịch vụ bổ trợ tư pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Tổ chức xã hội, nghề nghiệp của luật sư, công chứng viên được củng cố, kiện toàn từ Trung ương tới địa phương để thực hiện nhiệm vụ tự quản; công tác quản lý Nhà nước đã đi vào nền nếp và từng bước đã phát huy được hiệu quả. Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế.

Đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta ngày càng phát triển; chất lượng đội ngũ công chứng viên ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, DN.

Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản ngày càng được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương. Số lượng các cuộc đấu giá tài sản ngày càng tăng; các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá được quan tâm và đã thu được những kết quả ban đầu.

Công tác giám định có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng nền nếp, hiệu quả; hệ thống các quy định pháp luật về giám định tư pháp ở các lĩnh vực tiếp tục được hoàn thiện. Đội ngũ người làm giám định tư pháp, hệ thống tổ chức giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển; hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ngày càng được nâng cao; quản lý Nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, đi vào chiều sâu và toàn diện hơn; về cơ bản đã phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng.

Theo bà Đặng Kim Hoa, từ những kết quả đã đạt được, Cục Bổ trợ tư pháp đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Trong đó, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo hướng chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật để vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích, sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Cả nước hiện có hơn 5.500 tổ chức hành nghề luật sư với 18.200 luật sư hoạt động; có 1.425 tổ chức hành nghề công chứng với 3.372 công chứng viên; 512 tổ chức đấu giá tài sản với 1.169 đấu giá viên; 721 tổ chức giám định tư pháp với 7.136 người giám định viên tư pháp và 2.621 người giám định tư pháp theo vụ việc; 207 Văn phòng Thừa phát lại với 442 thừa phát lại đang hành nghề; hơn 69 DN quản lý, thanh lý tài sản đang hoạt động với 301 quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân.