Thời trang quốc tế đổ bộ thị trường Việt
Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may chiếm từ 5 - 6% chi tiêu của người dân nên doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư, khai thác.
Những năm qua, số lượng thương hiệu thời trang nước ngoài “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam không ngừng tăng lên. Hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ trung bình đến cao cấp như Chanel, Giovanni, Mango, Zara, H&M, Uniqlo, Warehouse, Topshop, CK, Nike, Levi’s... đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam và liên tục mở rộng hệ thống bán lẻ.
Tháng 8/2024, nhãn hàng thời trang Uniqlo (Nhật Bản) đã mở thêm 2 cửa hàng mới tại các trung tâm thương mại Vincom Plaza Imperia (Hải Phòng) và Parc Mall (TP Hồ Chí Minh) nâng tổng số cửa hàng bán lẻ tại thị trường Việt Nam lên 26 cửa hàng sau gần 5 năm vận hành.
Còn thương hiệu H&M sau khi ra mắt cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2017 đến nay đã có mặt tại 5 tỉnh, thành phố khắp cả nước với 13 cửa hàng. Mới đây, thương hiệu này chính thức ra mắt cửa hàng trực tuyến hm.com tại thị trường Việt Nam với sản phẩm dành cho mọi đối tượng khách hàng. Không tiết lộ chi tiết về kết quả kinh doanh tại Việt Nam, nhưng Giám đốc điều hành H&M khu vực Đông Nam Á Fredrik Famm đánh giá, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và dự kiến sẽ trở thành thị trường thứ 68 của H&M toàn cầu.
Không chỉ các hãng thời trang đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam mà ngay cả Tập đoàn bán lẻ AEON (Nhật Bản) cũng cho ra mắt thương hiệu thời trang nhanh My Closet giá rẻ. Điều này cho thấy “sức hút” rất lớn của thị trường Việt Nam.
Theo khảo sát trực tuyến gần đây của hãng Nielsen, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về yêu chuộng hàng hiệu, 56% người Việt sẵn sàng chi tiền mua hàng hiệu, chỉ sau Trung Quốc (74%) và Ấn Độ (59%). Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường Statista (CHLB Đức), quy mô thị trường thời trang Việt Nam năm năm 2023 đã đạt khoảng 4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm trung bình khoảng 10% trong giai đoạn 2024-2028. Dự kiến, đến năm 2028 có thể đạt mức 6,5 tỷ USD và còn nhiều dư địa để khai thác.
Doanh nghiệp trong nước trỗi dậy
Theo các chuyên gia kinh tế, trước bối cảnh xuất khẩu gặp khó, việc khai thác thị trường nội địa chính là bệ đỡ giúp doanh nghiệp thời trang duy trì sản xuất, kinh doanh.Tuy nhiên để làm được việc này đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ở mọi phân khúc từ cao cấp đến bình dân, đặc biệt giá bán phải rẻ hơn hàng ngoại nhưng chất lượng không thua kém.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết, thời gian qua ngành dệt may Việt Nam đang không ngừng cải tiến mẫu mã để kích cầu tiêu dùng từ đó gia tăng thị phần. “Chẳng hạn nhãn hiệu thời trang Canifa được thành lập từ năm 2001, trong những năm đầu, doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm may mặc công sở dành cho nữ. Nhưng qua thời gian, thương hiệu này mở rộng thêm tới quần áo thường ngày (casual), rồi tới quần áo cho nam và trẻ em. Đến nay, Canifa được mọi người nhìn nhận giống như một thương hiệu thời trang dành cho cả gia đình”- ông Cầm nêu ví dụ.
Còn theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt, doanh nghiệp thời trang Việt Nam đang có những bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng. May 10 đã đưa vào khai thác hai nhãn hàng thời trang mới là DeTheia – dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới và thương hiệu Generos – thời trang nam dành cho giới trẻ, phân khúc khách hàng hiện đại.
“Việc đưa vào khai thác 2 nhãn hàng thời trang mới là hoạt động nằm trong chiến lược mở rộng thêm các phân khúc khách hàng trong thị trường nội địa với gần 100 triệu dân của Việt Nam vốn đang tăng. Thời gian tới doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tỷ trọng hàng hóa tiêu thụ trong nước hiện chỉ chiếm khoảng 20% lượng hàng hóa sản xuất của công ty” - ông Việt chia sẻ.
Để đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, các hãng thời trang Việt Nam đã đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, mở rộng hệ thống cửa hàng giời thiệu sản phẩm. Mặc dù mới được thành lập vào 2017, nhưng đến nay nhãn hiệu thời trang YODY đã tung ra thị trường nhiều mẫu mã cho nhu cầu ăn mặc cả 1 ngày (ở nhà, đi chơi và đi làm), cũng như hướng tới nhiều đối tượng từ trẻ em cho tới người lớn, cả nam và nữ. Không thực sự có tính “thời trang” quá cao, YODY lại có thế mạnh về giá bán bình dân. Áo thun có giá từ 100.000 - 300.000 đồng/sản phẩm, quần từ 150.000 - 600.000 đồng/sản phẩm. Đặc biệt nhãn hiệu này đã mở tới hơn 270 cửa hàng trên toàn quốc, trở thành một thương hiệu quen thuộc với người dân Việt Nam.
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công thương (Bộ Công Thương) Lê Huy Khôi, muốn khai thác thị trường nội địa đòi hỏi doanh nghiệp phải xác định sản phẩm dành cho đối tượng khách hàng, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thành thị hay nông thôn. Để làm được điều đó đòi hỏi doanh nghiệp nghiên cứu cung-cầu một cách thấu đáo để sản xuất ra sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thay đổi cung cách phục vụ người Việt, giá cả phải tương xứng với khả năng chi trả của người tiêu dùng trong nước.
Mặc dù doanh nghiệp thời trang Việt Nam đang dốc sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập nhưng Bộ Công Thương khuyến cáo: để khai đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập, doanh nghiệp cần đổi về phương thức quản lý, đầu tư máy móc, thiết bị, đồng thời chủ động từ nguyên phụ liệu, đến đội ngũ lao động có tay nghề giỏi. Đẩy mạnh đầu tư đưa ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu riêng, phát triển hệ thống bán lẻ qua đó khai thác tối đa hiệu suất tài sản cố định