Chuyên gia lật tẩy mánh khóe lừa đảo sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán

Lừa đảo qua sàn giao dịch tài chính bất hợp pháp không chỉ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng mà còn tạo ra bất ổn xã hội, giảm niềm tin của người dân vào các tổ chức tài chính hợp pháp.

Giả mạo là chuyên gia tài chính và bị hại, quây nhà đầu tư rồi chiếm đoạt tới hơn 5.200 tỷ đồng, Phó Đức Nam (SN 1994), trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, còn được biết đến là TikToker Mr Pips, cùng đồng bọn đã hình thành đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia thông qua sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trái phép lớn nhất từ trước đến nay. 

Mr Pips (Phó Đức Nam) nổi tiếng với những video khoe cuộc sống xa hoa và dạy kiếm tiền.

Mr Pips (Phó Đức Nam) nổi tiếng với những video khoe cuộc sống xa hoa và dạy kiếm tiền.

Thực trạng lừa đảo thông qua các sàn giao dịch ngoại hối (Forex), chứng khoán quốc tế và tiền mã hóa bất hợp pháp đang nổi lên như một loại tội phạm công nghệ cao, lợi dụng lỗ hổng trong nhận thức của người dân và sự phức tạp trong quản lý không gian mạng. Và vụ việc của Phó Đức Nam (TikToker Mr. Pips) cùng đồng bọn không phải là đầu tiên, duy nhất, nhưng là một minh chứng điển hình cho sự tinh vi và quy mô của loại hình này.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, những đối tượng này sử dụng mô hình "đa cấp tài chính ảo" kết hợp với các nền tảng công nghệ như blockchain và giao dịch trực tuyến để tạo ra vỏ bọc chuyên nghiệp. Chúng không chỉ lừa đảo trong nước mà còn vươn ra phạm vi quốc tế, tạo ra một hệ thống tài chính ảo khép kín, khó truy vết. Điểm đặc biệt nguy hiểm là các giao dịch được thực hiện qua các sàn không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoặc các cơ quan tài chính có thẩm quyền, dẫn đến việc người tham gia hoàn toàn mất quyền khiếu nại hoặc đòi lại tài sản khi bị lừa.

Hình thức này còn khai thác mạnh yếu tố tâm lý xã hội, đặc biệt là lòng tham và sự cả tin của người dân. Chúng tạo dựng hình ảnh “chuyên gia tài chính”, “người thành công” thông qua mạng xã hội, dùng lối sống xa hoa làm công cụ thu hút và xây dựng lòng tin. Các hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật về tài chính mà còn có dấu hiệu của các tội danh khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự), tổ chức kinh doanh trái phép (Điều 159), và rửa tiền (Điều 324).

Lý giải vì sao người dân dễ dàng bị lừa, thậm chí nhiều người còn sẵn sàng trao hết tài sản cho các đối tượng này, Thiếu tá Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho rằng, chủ yếu là do thiếu kiến thức tài chính và công nghệ. Cụ thể, đa số nạn nhân không am hiểu về thị trường tài chính quốc tế hoặc công nghệ blockchain. Điều này khiến họ không nhận thức được các rủi ro tiềm tàng từ những sàn giao dịch không minh bạch.

Cùng với đó là sức ảnh hưởng từ mạng xã hội. Theo Thiếu tá Thanh, để lừa đảo được nhiều người, các đối tượng này lợi dụng mạng xã hội để xây dựng hình ảnh uy tín giả tạo. Chúng thường xuyên đăng tải nội dung khoe tài sản, lối sống xa hoa, hoặc "bằng chứng" về các khoản lợi nhuận khổng lồ, khiến nhiều người tin tưởng mà không kiểm chứng nguồn gốc thông tin.

Từ đó, lợi dụng tâm lý "làm giàu nhanh chóng"; lợi dụng lòng tham các đối tượng đưa ra những lời hứa hẹn như "lợi nhuận 30%/tháng", "hoàn vốn trong 3 tháng", đánh trúng tâm lý của người dân.

“Thiếu cảnh giác trước dấu hiệu bất hợp pháp, cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người dân bị lừa. Theo tôi, nhiều người không nhận ra rằng các sàn giao dịch hợp pháp luôn phải được cấp phép và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng. Họ cũng không có khả năng kiểm tra tính xác thực của các giao dịch hoặc hệ thống tài chính mà mình tham gia”- Thiếu tá Thanh phân tích.

Cuối cùng, theo chuyên gia Phí Văn Thanh, hệ thống lừa đảo chuyên nghiệp và có tổ chức. Các đối tượng thường hoạt động theo nhóm, phân chia vai trò rõ ràng: người xây dựng hệ thống, người tuyển mộ nạn nhân, và người vận hành sàn giao dịch. Điều này khiến nạn nhân bị "vây" bởi một mạng lưới lừa đảo tinh vi, khó nhận diện.

Chia sẻ về các biện pháp phòng tránh, Thiếu tá Phí Văn Thanh nêu quan điểm: Đầu tiên cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức. Ở đây, cụ thể là các cơ quan công an cần phối hợp với báo chí, truyền thông xã hội, và các tổ chức tài chính để đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về các phương thức lừa đảo tài chính công nghệ cao.Tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về kỹ năng nhận diện sàn giao dịch hợp pháp, đặc biệt là tại các địa phương có tỷ lệ nạn nhân cao.

Đầu tiên, về phía người dân, cần kiểm tra tính pháp lý trước khi đầu tư. Cụ thể, người dân cần tự trang bị kiến thức để kiểm tra xem sàn giao dịch có được cấp phép hoạt động hay không. Thông tin này có thể được tra cứu thông qua Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hoặc các cơ quan quản lý tài chính quốc tế.

Về phía lực lượng chức năng, theo Thiếu tá Thanh, cần tăng cường công tác điều tra, trấn áp tội phạm.

“Lực lượng công an cần tập trung điều tra chuyên sâu, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật số để truy vết dòng tiền, xác định danh tính các đối tượng đứng sau sàn giao dịch ảo.Tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức tài chính và cảnh sát các nước để phát hiện và ngăn chặn các đường dây lừa đảo xuyên quốc gia”- Thiếu tá Thanh phân tích.

Một điều nữa mà Thiếu tá Phí Văn Thanh nhấn mạnh, đó là người dân cần đặc biệt cảnh giác trước các dấu hiệu lừa đảo. Rõ ràng, lợi nhuận quá cao, không có rủi ro là dấu hiệu của hành vi lừa đảo. Các sàn giao dịch yêu cầu người dùng chuyển tiền qua trung gian hoặc không có địa chỉ văn phòng cụ thể đều có nguy cơ bất hợp pháp.

Cùng với đó, người dân đặc biệt lưu ý, không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ sàn giao dịch nào mà không rõ tính pháp lý. Sử dụng các biện pháp bảo mật mạnh như mật khẩu phức tạp, xác thực hai yếu tố để bảo vệ tài khoản ngân hàng và các ứng dụng tài chính trực tuyến.

Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lập tức báo cáo cho cơ quan công an tại địa phương hoặc Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các nạn nhân bị lừa cần phối hợp cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ để hỗ trợ cơ quan chức năng trong công tác điều tra.

Thiếu tá Thanh cho biết thêm, lừa đảo qua sàn giao dịch tài chính bất hợp pháp không chỉ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng mà còn tạo ra bất ổn xã hội, giảm niềm tin của người dân vào các tổ chức tài chính hợp pháp. Để đối phó hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, sự cảnh giác của người dân, và các biện pháp quản lý không gian mạng mạnh mẽ. Hành động sớm, quyết liệt sẽ giúp ngăn chặn loại hình tội phạm này phát triển, đồng thời bảo vệ tài sản và quyền lợi chính đáng của người dân.