Vàng nhẫn tiếp tục lập lỷ lục mới
Trong khi giá vàng miếng trong nước đứng yên, giá vàng nhẫn tiếp đà tăng tiến sát mốc 83,5 triệu đồng/lượng. Hiện tại giá vàng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau:
Vàng miếng SJC đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 83,5 triệu đồng/lượng.
Ở chiều mua, giá vàng hầu hết các thương hiệu được niêm yết ở mức 81,5 triệu đồng/lượng. Riêng Phú Quý SJC niêm yết giá mua cao hơn 200.000 đồng so với các thương hiệu khác.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Đối với vàng nhẫn, giá vàng SJC 9999 niêm yết ở mức 81,5 triệu đồng/lượng mua vào và 83 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng chiều mua và 300.000 đồng chiều bán. DOJI tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh điều chỉnh tăng giá mua thêm 250.000 đồng và giá bán thêm 100.000 đồng lên lần lượt 82,75 triệu đồng/lượng và 83,45 triệu đồng/lượng. Giá mua và giá bán vàng nhẫn thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 82,5 triệu đồng/lượng và 83,3 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng chiều mua và 100.000 đồng chiều bán.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở mức 82,54 triệu đồng/lượng mua vào và 83,44 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 310.000 đồng giá mua và 110.000 đồng giá bán. Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn mức ở mức 82,3 triệu đồng/lượng và bán ra mức 83,4 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều so với rạng sáng qua.
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5 giờ hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.653,42 USD/ounce. Giá vàng hôm nay giảm 0,7% so với giá vàng ngày hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 77,755 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 3,745 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh là do, thị trường vừa đón nhận thông tin tích cực từ chỉ số PCE tháng 8 so với cùng kỳ năm trước đã giảm mạnh từ mức 2,5% tháng 8 xuống còn 2,2%. Chỉ số PCE tháng 8 so với tháng 7 cũng giảm 0,1%, từ mức 0,2%, xuống 0,1%.
Chỉ số PCE do Bộ Thương mại Mỹ phát hành, đo lường tình trạng lạm phát dựa trên sự thay đổi trong tiêu dùng cá nhân, nó là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Chi tiêu cá nhân cũng giảm mạnh từ mức 0,5% tháng 7 xuống 0,2% trong tháng 8. Thu nhập cá nhân cũng giảm từ mức tăng 0,3% tháng 7 xuống tăng 0,2% trong tháng 8 và thấp hơn mức dự báo trước đó 0,4%.
Theo phân tích kỹ thuật, chi tiêu cá nhân do Bộ Thương mại công bố, là một chỉ số đo lường tổng chi tiêu của các cá nhân. Mức chi tiêu có thể được sử dụng như một chỉ báo về mức độ lạc quan của người tiêu dùng. Nó cũng được coi là thước đo tăng trưởng kinh tế, nếu PCE và chi tiêu cá nhân, thu nhập cá nhân cùng giảm, điều này khiến Fed sẽ phải nghĩ đến cắt giảm lãi suất sâu hơn để kích thích thị trường lao động.
Tuy nhiên, thị trường trong đêm qua lại đón nhận một thông tin trái ngược đó là chỉ số niềm tin người tiêu dùng do Đại học Michigan công bố tăng mạnh từ mức 69 điểm tháng 8 lên 70,1 điểm tháng 9, cao hơn mức dự báo 69,3 điểm.
Theo phân tích kỹ thuật, sự hào hứng của người tiêu dùng có thể chuyển thành chi tiêu lớn hơn và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Điều này lại phản ánh một thị trường lao động mạnh hơn và khả năng lạm phát tăng.
Trường Đại học này cũng đưa ra mức lạm phát tiêu dùng 5 năm trong tháng 9 vẫn duy trì 3,1%, ngang bằng dự báo trước và không đổi so với kỳ báo cáo trước đó. Hai thông tin của Đại học Michigan dự báo, chính sách lãi suất của Fed có thể sẽ không có nhiều thay đổi so với hiện tại.
Bởi, trước đó 1 ngày Bộ Lao động Mỹ đã công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua giảm so với dự báo và tuần trước đó.
Như vậy, thị trường lao động ổn định, lạm phát dự báo có thể chưa giảm như kỳ vọng thì lãi suất còn ở mức cao để đảm bảo cả 3 mục tiêu là tăng trưởng kinh tế, việc làm cho người lao động và lạm phát.
Việc lãi suất dự báo sẽ chưa giảm sâu khiến giới đầu tư chốt lời vàng, sau khi kim loại quý đã tăng giá liên tục nhiều phiên vừa qua.