Chứng khoán tuần 22/9-27/9: VN-Index giằng co quanh mốc 1.300 điểm

Kinhtephapluatvietnam - Dù nỗ lực nhưng VN-Index chỉ vượt 1.300 điểm được vài phút sau đó lại đi xuống trong tuần từ 22/9-27/9.

VN-Index giằng co quanh ngưỡng 1.300

Ảnh minh họa  

VN-Index vẫn tiếp tục giằng co trong vùng 1.290 – 1.300 trong ngày 27/9 và đóng cửa tại mốc 1.290.92, gần như đi ngang so với phiên 26/9. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 13/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành Dầu khí dẫn đầu đà tăng, theo sau là ngành Truyền thông,… Ở chiều ngược lại, ngành Ngân hàng tăng mạnh nhất ở phiên 27/9.

Về giao dịch của khối ngoại, phiên 27/9 khối này mua ròng trên sàn HSX và bán ròng nhẹ trên sàn HNX. Trong những phiên giao dịch tới, chỉ số cần một cây nến chỉ hướng cùng thanh khoản ủng hộ để bật lên trên ngưỡng 1.300, xác nhận đà tăng.

Phiên 27/9 VN-Index vượt mốc 1.300 điểm vào buổi sáng nhưng nhanh chóng quay đầu giảm thể hiện sự lưỡng lự của thị trường.

Thanh khoản thị trường duy trì ở ngưỡng tương đương so với phiên trước (26/9), tăng mạnh trong phiên sáng do tâm lý hưng phấn nhưng dần trở nên yếu đi rõ rệt khi áp lực cung tại vùng cản tâm lý dần gia tăng. Khối ngoại mua ròng 244 tỷ đồng trên sàn HOSE tập trung vào các mã FPT (103 tỷ đồng), TPB (96 tỷ đồng), VNM (79 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lớn nhất các mã VPB (-161 tỷ đồng), HPG (-72 tỷ đồng), MWG (-68 tỷ đồng).

Kết thúc tuần, VN-Index tăng 1,48% so với tuần trước lên mức 1.290,92 điểm, vượt lên vùng giá 1.280 điểm. VN-Index đang chịu áp lực mạnh ở vùng kháng cự 1.300 điểm, đỉnh giá trong nhiều tháng qua. Trong khi VN30 tăng tốt hơn 2,00% lên mức 1.352,57 điểm, vượt lên vùng giá 1.340 điểm, cao nhất tháng 6/2024 và gặp vùng kháng cự rất mạnh 1.360 điểm - 1.370 điểm tương ứng đường xu hướng nối các vùng giá cao nhất năm 2023 và 2024 đến nay.

Thị trường sẽ kết thúc quí III/2024 trong phiên đến và bắt đầu quí IV/2024, cũng như bắt đầu giai đoạn đón nhận kết quả kinh doanh.

Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, trạng thái giằng co điều chỉnh sau nhịp tăng dốc và ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 vẫn đang gây ra những tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư. Điểm tích cực là tín hiệu đảo chiều xuất hiện trong bối cảnh đa số các chỉ báo kỹ thuật chưa lên quá cao trên vùng quá mua, nên rủi ro tạo đỉnh chưa thực sự đáng ngại.

Mặc dù diễn biến rung lắc có thể trở nên rõ nét hơn khi VN-Index tiếp cận quanh vùng đỉnh cũ cũng như vùng kháng cự gần 130x nhưng cơ hội duy trì xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đang được đánh giá cao.

Nhà đầu tư cần duy trì tỷ trọng hợp lý

Báo cáo nhận định thị trường của Công ty Chứng khoán SHS nhận định, trong ngắn hạn, SHS không khuyến nghị mua đuổi khi VN-Index tiếp tục tăng điểm lên vùng giá 1.300 điểm, do đây không phải là vùng giá hấp dẫn. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý, tỉ trọng dưới mức trung bình, dòng tiền mới vẫn có thể xem xét cân nhắc, gia tăng, mở rộng danh mục đối với các mã chưa phục hồi nhiều, có vùng giá tương đương thời điểm VN-Index 1.250 điểm trước đây.

Các vị thế mua cần đánh giá cẩn trọng dựa trên cơ sở kết quả kinh doanh. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quí II tăng trưởng tốt, triển vọng kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực.

Còn chuyên gia AseanSC thì cho rằng, thị trường tăng điểm tích cực trong đầu phiên sáng với sự đồng thuận của nhóm Ngân hàng giúp VN-Index đã có lúc chinh phục được mốc 1,300 điểm. Song, diễn biến tâm lý hưng phấn không thể kéo dài và một lần nữa thị trường rơi vào trạng thái mất cân bằng, đặc biệt tập trung ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, trong bối cảnh chỉ nhóm Ngân hàng thu hút được dòng tiền. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý về các rủi ro tiềm ẩn của thị trường thế giới, vì vậy, nhà đầu tư cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến các thị trường quốc tế để xác nhận liệu xu hướng tăng có thể tiếp diễn trong bao lâu.

Do đó, nhà đầu tư nên thực hiện cẩn trọng đối với các giao dịch ngắn hạn, đảm bảo cân bằng với rủi ro và trong trung và dài hạn nên chủ động lượng tiền mặt để sẵn sàng giải ngân khi các cổ phiếu lớn điều chỉnh về vùng hấp dẫn.