Cần có thêm lực đẩy từ chính sách để phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh

Các chuyên gia đánh giá, thị trường tín dụng xanh (TDX), trái phiếu xanh (TPX) của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh.

Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách", do Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) tổ chức ngày 3/4.

Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách". (Ảnh: VGP)

Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh

Trên thế giới và khu vực, thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển nhanh trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến nay thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển hơn 20%/năm. Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Thông tin tại Hội thải, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 7 năm qua (2017-2023), dư nợ cấp TDX của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/12/2023, đã có 47 TCTD phát sinh dư nợ TDX với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%).

Nhiều TCTD đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh. Các TCTD đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đến 31/12/2023, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 2,84 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022...

Nhiều TCTD đã xây dựng các gói tín dụng xanh, chương trình tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn chính như: Danh mục phân loại xanh là căn cứ để NHNN đánh giá được hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, là cơ sở quan trọng để các TCTD xác định định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp.

Đại diện NHNN kiến nghị các bộ ngành phối hợp hoàn thiện hành lang pháp lý để: Có hướng dẫn về Danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các TCTD có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; Nghiên cứu có hướng dẫn chung về ESG giúp các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện chuyển đổi xanh. Xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.

Liên quan chính sách hỗ trợ TDX, TPX từ cơ quan quản lý thời gian qua, PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, chính sách hỗ trợ hiện vẫn cần xác nhận từ các cơ quan quản lý để xác định không có sự lợi dụng, sử dụng sai mục đích. “Đối với tín dụng có sự thuận lợi nhất định, việc thẩm định dự án đi kèm thẩm định dự án xanh đã có NHNN và và 47 NHTM đang thực hiện theo hướng dẫn của NHNN. Nhưng cũng có thể dẫn đến việc "vừa đá bóng, vừa thổi còi" nên mong có tổ chức đánh giá độc lập”, PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ đề cập.

Việc triển khai TDX còn nhiều vướng mắc, như chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể (gồm cả thuế, phí, vốn ưu đãi…) liên quan đến việc triển khai tài chính xanh, tài chính bền vững là nhận xét của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV. Ông cho rằng, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm), chi phí đầu tư lớn, trong khi các nguồn vốn cho vay của các TCTD thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi…

Cần tạo không gian cho doanh nghiệp tham gia tín dụng xanh, trái phiếu xanh

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các ngân hàng và DN, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường TDX, TPX là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhất là còn thiếu các quy định, tiêu chí môi trường, Danh mục phân loại xanh ở cấp quốc gia. Như nhìn nhận của PGS-TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tháo gỡ vướng mắc chủ yếu vẫn là năng lực thực thi chủ trương chính sách.

“Chúng ta đã có sổ tay hướng dẫn TDX, TPX, đã có quy định về chuyển đổi xanh nhưng hiện vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh, tiêu chí môi trường. Việc hỗ trợ, can thiệp của Nhà nước vào thị trường chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến nguồn cung vốn bị hạn chế. Nhận thức của địa phương, DN chưa đẩy đủ để tham gia vào chuyển đổi xanh nên tính hấp dẫn của TPX, TDX còn chưa cao”, PGS-TS. Bùi Quang Tuấn chỉ ra.

TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Câu chuyện chuyển sang xanh là thách thức mới nhưng là việc phải làm, không phải lựa chọn và phải làm quyết liệt.

"Cần thấy rằng, ưu đãi là quan trọng nhưng quan trọng hơn cả ưu đãi là một môi trường cho doanh nghiệp hoạt động được. Cơ chế thị trường là quan trọng, ưu đãi là đi kèm, cần hỗ trợ doanh nghiệp, tạo không gian cho doanh nghiệp hoạt động", TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Nhà nước tạo cơ chế thu hút nguồn vốn cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu, cung cấp tín dụng xanh. (Ảnh minh họa)

Để phát triển thị trường TDX, TPX nhanh hơn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy các chính sách liên quan đến thị trường TDX cần sớm được ban hành cụ thể, song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó biển đổi khí hậu...

“Nhà nước tạo cơ chế thu hút nguồn vốn cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành TPX, cung cấp TDX; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong quá trình phát hành TPX, TDX. Chính phủ, các Bộ, ngành có chính sách, giải pháp để trực tiếp hoặc hỗ trợ các DN và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế. Bản thân DN cần có kế hoạch, chiến lược phát triển xanh, phát triển bền vững, xây dựng văn hóa xanh, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực liên quan, nhất là các bộ phận liên quan đến tài chính xanh, tín dụng xanh và quản lý rủi ro”, TS. Cấn Văn Lực nêu rõ.

Dưới góc độ xây dựng cơ chế, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng: Xây dựng hệ thống Danh mục phân loại xanh theo chuẩn quốc tế đóng một vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc đánh giá và phân loại các dự án xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho đất nước, từ khía cạnh kinh tế, môi trường đến xã hội.

Một trong những việc quan trọng hàng đầu là tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Việc xây dựng mục phân loại xanh dựa trên chuẩn quốc tế giúp xác định rõ ràng những tiêu chí và yếu tố quan trọng trong việc đánh giá tính bền vững của các dự án. Điều này khuyến khích việc đầu tư và phát triển các dự án có tác động tích cực đến môi trường, đồng thời hạn chế sự phát triển của những dự án gây hại.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư và tổ chức quốc tế ngày càng quan tâm đến các dự án xanh và bền vững. Bằng việc áp dụng chuẩn quốc tế trong việc phân loại các dự án, Việt Nam sẽ tạo ra sự minh bạch và tin tưởng cho cộng đồng quốc tế. Điều này giúp thu hút đầu tư và tài trợ quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và công nghệ trong nước./.