Thị trường BĐS đóng vai trò thu hút các nguồn lực
Dự và chủ trì hội nghị là Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường; đại diện các ban, ngành, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thị trường BĐS đóng vai trò quan trọng thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định lớn cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của Nhân dân; đồng thời tác động lớn đến hàng loạt các thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động.
Khi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 1 Quyết định; Bộ Xây dựng ban hành 2 Thông tư quy định chi tiết 2 Luật này. Ngoài ra, tại Luật Nhà ở cũng có 11 nội dung giao UBND cấp tỉnh ban hành hoặc trình HĐND cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền.
Việc ban hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, và các văn bản quy định chi tiết đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS với các luật liên quan; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc quản lý nhà ở, hoạt động kinh doanh BĐS; cắt giảm tối đa các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; kịp thời tháo gỡ các tồn tại, hạn chế thời gian qua cho thị trường BĐS.
Luật Nhà ở năm 2023 có nhiều quy định đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài
Luật Nhà ở năm 2023 tập trung giải quyết 8 nhóm chính sách lớn, xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật. Cụ thể, chính sách về chủ sở hữu nhà ở (SHNƠ), quy định về nhà thuộc sở hữu Nhà nước; quy định về SHNƠ tại Việt Nam của các tổ chức, cá nhân nước ngoài; quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư.
Hay chính sách về phát triển nhà ở, đã hoàn thiện các quy định chung về việc phát triển nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và phát triển nhà ở riêng của hộ gia đình, cá nhân và chuyển đổi công năng nhà ở.
Chính sách nhà ở xã hội (NƠXH), hoàn thiện các quy định về quỹ đất dành để phát triển, hình thức phát triển NƠXH, nhà lưu trú cho công nhân; các ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển NƠXH cũng như xác định đối tượng mua NƠXH.
Chính sách về tài chính cho phát triển nhà ở, đã hoàn thiện các quy định về hình thức, nguyên tắc, điều kiện, huy động vốn để phát triển theo các loại hình nhà ở; bổ sung thêm các nguồn vốn phát triển nhà ở chưa được quy định trong Luật Nhà ở năm 2014 như: cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán và các hình thức huy động vốn khác.
Chính sách chung về quản lý, sử dụng nhà ở đã tăng cường tính công khai, minh bạch trong các giao dịch về nhà ở. Chính sách về quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng xác định rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể của các chủ thể trong việc bàn giao, tiếp nhận, vận hành, bảo dưỡng duy tu hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhà ở chung cư; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý vận hành nhà chung cư.
Chính sách quản lý Nhà nước (QLNN) về nhà ở đã sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển, quản lý nhà ở; bổ sung quy định về phân cấp, phân quyền, cơ chế kiểm tra giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Đối với Luật Kinh doanh BĐS năm 2023, cũng có nhiều điểm mới, như: chính sách kinh doanh BĐS quy định kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn; nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng trong dự án BĐS; về chuyển nhượng dự án BĐS.
Hoặc chính sách về kinh doanh dịch vụ BĐS, quy định kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS. Chính sách về điều tiết để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, quy định nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm định quyền thực hiện các giải pháp điều tiết để bình ổn thị trường BĐS; các giải pháp điều tiết thị trường BĐS.
Chính sách về QLNN trong lĩnh vực kinh doanh BĐS cũng quy định đầy đủ, cụ thể các nội dung và phân rõ trách nhiệm QLNN về thị trường BĐS giữa các Bộ, ngành và giữa cơ quan Trung ương với địa phương; nâng cao hiệu quả trong kiểm tra, xử lý, ngăn chặn sai phạm trong kinh doanh BĐS.