Nhiều động lực phục hồi sản xuất
Nền kinh tế đã có một khởi đầu lạc quan từ đầu năm đến tháng 9 với kỳ vọng đạt mức tăng trưởng là 7%. Tuy nhiên, sự tàn phá của cơn bão số 3 đã tác động nặng nề, ước tính thiệt hại khoảng 40.000 tỷ đồng tài sản của người dân, DN. Bộ KH&ĐT dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đưa ra là 6,8-7%. Các ngành chịu ảnh hưởng lớn bao gồm nông, lâm và ngư nghiệp với mức giảm 0,33%, ngành công nghiệp và xây dựng giảm 0,05%, trong khi dịch vụ giảm 0,22%.
2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng chịu thiệt hại nặng nề nhất, chiếm hơn 80% tổng thiệt hại. Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp khắc phục và hỗ trợ từ Chính phủ, tình hình kinh tế trong các khu vực bị ảnh hưởng đang dần ổn định trở lại.
Để nhanh chóng hỗ trợ các địa phương, DN vực dậy sau bão, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP với 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Các nguồn lực, chính sách sẽ được ưu tiên cho phục hồi, tái thiết và đảm bảo không lỡ đà tăng trưởng.
Ngay sau khi bão qua đi, các tỉnh bị ảnh hưởng, đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng, đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất và cơ sở hạ tầng. Các nhà máy sản xuất tại miền Bắc, bị gián đoạn do lũ lụt và mất điện, đã bắt đầu hoạt động trở lại với công suất tăng cao để bù đắp sản lượng bị thiếu hụt. Hoạt động du lịch cũng đã nhanh chóng phục hồi. Ngành nông nghiệp cũng khẩn trương bắt tay phục hồi sản xuất.
Nhận định về động lực tăng trưởng kinh tế cuối năm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, nguồn lực đầu tư công sẽ giúp khôi phục và cũng sẽ tạo sức lan tỏa, thúc đẩy liên kết vùng và mở rộng chuỗi cung ứng, từ đó làm nền tảng cho đà tăng trưởng nhanh, vững chắc của nền kinh tế. Còn trước mắt, để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng sẽ dựa vào 3 động lực chính gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc đạt được kịch bản tăng trưởng cao hoàn toàn có cơ sở dựa trên thống kê 8 tháng qua. Xuất khẩu tăng mạnh, nhất là lĩnh vực chế biến chế tạo, kéo theo sản lượng sản xuất công nghiệp tăng cao, đóng góp đến 1/4 tăng trưởng GDP. Còn nhà đầu tư nước ngoài tăng giải ngân vốn FDI với mức cao nhất trong năm qua. Đặc biệt, việc FED giảm lãi suất làm cho giá trị của đồng USD trên các ngoại tệ khác cũng giảm đi. Đối với Việt Nam là một quốc gia có thể nói là lệ thuộc vào xuất - nhập khẩu chủ yếu là bằng USD, khi mà giá trị đồng tiền này suy yếu, có nghĩa là giá trị của VND so với USD được tăng lên, sẽ giúp ổn định tỷ giá (ít nhất từ nay đến cuối năm). Từ đó có lợi cho nhập khẩu của Việt Nam do Việt Nam nhập khẩu rất nhiều để có thể xuất khẩu. Chính vì thế, giá nhập khẩu tính bằng USD, khi giá trị của đồng tiền này giảm cũng giảm giá nhập khẩu, nếu tính ra VND đó là điểm có lợi cho ngoại thương của Việt Nam.
Lạc quan mức tăng trưởng GDP trên 6,5%
Với sự hỗ trợ từ Chính phủ, các hoạt động xuất nhập khẩu tích cực và môi trường tín dụng thuận lợi, Công ty Chứng khoán VNDIRECT vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,5%. VNDIRECT cho rằng, các chương trình đầu tư công và giải ngân nhanh chóng sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau thiệt hại do bão số 3.
Cũng lạc quan với mức tăng trưởng cao, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Để bứt tốc, đạt được mức tăng trưởng kinh tế đã đặt ra từ đầu năm, các DN cần tập trung gia tăng sản xuất. Chính phủ cần tập trung điều tiết, hỗ trợ các hoạt động cứu trợ, phục hồi sản xuất và cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, đồng thời có các chính sách hỗ trợ thiết thực cho DN về giảm bớt thủ tục hành chính, hỗ trợ vốn ữu đãi, giảm thuế phí... “Với sự nỗ lực của DN, các địa phương, cùng tổng lực các yếu tố hỗ trợ, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 đạt trong khoảng 6,5 - 7% là hoàn toàn khả thi” - PGS.TS Phạm Thế Anh dự báo.
Để sớm ổn định sản xuất, tạo động lực phục hồi nền kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Hiện nay, khối lượng cần giải ngân trong năm 2024 còn lớn và đây là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão số 3 và sửa chữa hạ tầng ở các vùng bị ảnh hưởng, nhằm nối lại giao thông liên lạc, cũng như hỗ trợ phục hồi sản xuất.
Mặt khác, cần xem xét hỗ trợ các DN ở những vùng bị bão lũ để đảm bảo an sinh cho người lao động. Đồng thời, đảm bảo điều kiện cho các DN có thể quay lại sản xuất nhanh nhất, thực hiện tốt các đơn hàng đã ký cũng như các đơn hàng xuất khẩu.
Đứng ở góc độ DN, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiệt hại về lâu dài của cơn bão, bảo đảm sinh kế cho người dân.
Trong bối cảnh hiện nay, VCCI kiến nghị Thủ tướng một số chính sách quan trọng dành cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ bão Yagi, gồm: tàu cá khai thác thuỷ hải sản, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản trên mặt biển, sông, suối, ao hồ.
Các giải pháp được đề xuất gồm các khoản hỗ trợ dựa trên thiệt hại thực tế, do UBND cấp xã và chủ tàu thống kê. Các đề xuất hỗ trợ dưới hình thức miễn tiền thuê mặt nước, miễn các loại phí, lệ phí cũng như đề xuất miễn hoặc giảm các loại thuế được kiến nghị.
Phương Nga
Link nội dung: https://ktplvn.vn/dong-luc-tang-truong-kinh-te-dip-cuoi-nam-52.html