Thực phẩm siêu chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Kinhtephapluatvietnam - Thực phẩm đóng gói, soda, khoai tây chiên, xúc xích, gà viên chiên và kem… đều thuộc danh mục thực phẩm siêu chế biến, có thể bao gồm hàng chục chất phụ gia tổng hợp như chất bảo quản, chất nhũ hóa và thuốc nhuộm nhân tạo.

sk2-1727573646.PNG
Ảnh minh họa  

Một nghiên cứu mới cho thấy những thực phẩm này có thể có tác động lớn đến sức khỏe.

Theo nghiên cứu được công bố ngày 24/9/2024, trên tạp chí The Lancet Regional Health - Europe, các nhà nghiên cứu đã phân tích việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến và sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2 ở hơn 300.000 người từ 8 quốc gia châu Âu trong thời gian trung bình là 10,9 năm.
Dữ liệu cho thấy cứ tăng 10% khẩu phần ăn của một người bao gồm thực phẩm siêu chế biến, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 tăng 17%.

Theo nghiên cứu, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng việc giảm lượng thực phẩm siêu chế biến mà bạn đang tiêu thụ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

PGS.TS Nerys Astbury, chuyên gia nghiên cứu về chế độ ăn uống và béo phì ở Đại học California, Mỹ, cho biết nghiên cứu này mang tính chất quan sát, có nghĩa là mặc dù các nhà nghiên cứu có thể chỉ ra mối liên hệ giữa mức độ chế biến thực phẩm và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, nhưng họ không thể khẳng định rằng cái này gây ra cái kia.

Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu gần đây nhất đã bổ sung bằng chứng cho thấy ăn thực phẩm siêu chế biến có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe bất lợi.

Tại sao thực phẩm siêu chế biến có thể được quan tâm? Tác giả chính của nghiên cứu, TS.BS Samuel Dicken cho biết: “Thực phẩm siêu chế biến có ở khắp mọi nơi. Chúng rất dễ tiếp cận, rẻ, tiện lợi và được tiếp thị rộng rãi”.

Ông nói thêm: “Thực phẩm siêu chế biến bao gồm đồ uống có đường, bữa ăn làm sẵn, đồ ăn nhẹ có vị mặn (chẳng hạn như khoai tây chiên giòn), ngũ cốc ăn sáng và các lựa chọn thay thế từ thực vật. Chúng thường có thể được xác định bằng một danh sách dài các thành phần trên bao bì, với nhiều nhãn hiệu đầy màu sắc và một số trong số chúng có tuyên bố về dinh dưỡng/sức khỏe như ít chất béo hoặc nhiều chất xơ”.

Các nhà nghiên cứu không thể nói chắc chắn tại sao thực phẩm siêu chế biến lại có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn, nhưng có một số giả thuyết. “Chúng có xu hướng chứa nhiều calo so với trọng lượng của thức ăn, nghĩa là bạn ăn nhiều calo hơn trước khi cảm thấy no” - Samuel Dicken nói.

“Chúng tôi cũng biết rằng lượng mỡ trong cơ thể tăng lên (do lượng calo dư thừa) làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Khi chúng tôi xem xét trọng lượng cơ thể, sự gia tăng tỷ lệ vòng eo trên chiều cao (tăng mỡ bụng) có khả năng giải thích gần một nửa mối liên hệ này ” - ông nói thêm.

Thay vào đó nên ăn gì? Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường loại 2 với đồ uống có đường, thực phẩm chế biến từ động vật và đồ ăn nhẹ có vị mặn như khoai tây chiên dường như ngày càng rõ hơn. Tốt nhất, nên thay thế các thực phẩm này bằng các đồ ăn lành mạnh hơn, như trái cây, thức ăn ít chế biến, hay chế biến theo lối truyền thống ít gia vị công nghiệp.

Cuối cùng, cũng nên nhớ rằng chế độ ăn uống không phải là yếu tố duy nhất góp phần gây ra nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, mức độ hoạt động, thời gian bạn ngồi, thời gian ngủ, cũng như thói quen hút thuốc và uống rượu… đều đóng một vai trò nào đó.

BS Nguyễn Phú Lâm

Link nội dung: https://ktplvn.vn/thuc-pham-sieu-che-bien-co-the-lam-tang-nguy-co-mac-benh-tieu-duong-171.html