Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định thay đổi hình thức nhận, nơi nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, như sau:
Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng có nguyện vọng thay đổi hình thức nhận hoặc thay đổi nơi nhận do chuyển nơi cư trú trong nước thì có văn bản gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang chi trả.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thay đổi hình thức nhận lương hưu hoặc thay đổi nơi nhận lương hưu, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng quy định, mức lương hưu hàng tháng của đối tượng đủ điều kiện nghỉ hưu từ ngày 1/7/2025. Đối với lao động nữ, lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, lao động nữ cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam, lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, lao động nam cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 15 năm thì lương hưu bằng 40% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, lao động nam đóng bảo hiểm xã hội từ năm thứ 16 đến năm thứ 20, thêm mỗi năm đóng được tính thêm 1%.
Như vậy, Quốc hội thống nhất thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã bổ sung quy định giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống từ đủ 15 năm để thêm nhiều người lao động có cơ hội được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế, thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần. Đối với quy định, lao động nam đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cũng là để đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho họ. Và, cũng là đủ phù hợp với việc Quốc hội điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu khi đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm.